VNReport»Kinh tế»Tài chính»Cách Nhật Bản miễn nhiễm với làn sóng lạm phát toàn cầu

Cách Nhật Bản miễn nhiễm với làn sóng lạm phát toàn cầu

17:01 - 22/11/2021

Nhật Bản giữ giá tiêu dùng không đổi. Nhưng đây có thể là dấu hiệu của sự cứng nhắc cản trở tăng trưởng.

Vào thời điểm mà nhiều nước trên thế giới đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng, Nhật Bản đang thể hiện cách giữ cho giá tiêu dùng hầu như không đổi.

Sau nhiều thập kỷ lạm phát ở mức rất thấp, người mua hàng Nhật Bản không chịu trả giá cao hơn và các doanh nghiệp hiếm khi cố gắng tăng giá. Doanh nghiệp tích trữ tiền mặt và kìm hãm đầu tư, đồng thời giữ cố định thị trường lao động, khiến người lao động không thể dễ dàng chuyển sang các doanh nghiệp đang tăng trưởng và được tăng lương.

Đó không phải là công thức mà nhiều nước muốn làm theo. Mức giá thấp ngày qua ngày như vậy là một phần của hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là Nhật Bản hóa – lạm phát thấp, lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế chậm. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã cố gắng thoát khỏi tình trạng trên trong nhiều năm.

Chuỗi siêu thị Aeon hứa giữ giá một số mặt hàng thực phẩm mang nhãn hiệu riêng.

Chuỗi siêu thị Aeon hứa giữ giá một số mặt hàng thực phẩm mang nhãn hiệu riêng.

“Phong cách quản lý ổn định của Nhật Bản và thái độ không thay đổi giá có mặt lợi trong trường hợp sốc ngắn hạn”, Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết. “Mặt khác, chúng có thể ngăn cản sự phục hồi kinh tế và những thay đổi thuận lợi về cơ cấu ngành trong dài hạn”.

Giá tiêu dùng của Nhật Bản kết thúc vào tháng 10 chỉ tăng 0,1% so với một năm trước đó và giảm 0,7% khi loại trừ giá thực phẩm tươi sống và năng lượng. Trong khi đó, lạm phát so với cùng kỳ năm trước đạt 4,1% ở khu vực đồng euro và 6,2% ở Mỹ, mức cao nhất trong 31 năm.

Nhiều động lực lạm phát ảnh hưởng đến các quốc gia khác, chẳng hạn như giá dầu, hàng hóa và chip cao hơn, cũng tác động đến Nhật Bản. Sự khác biệt là cách các công ty và người tiêu dùng phản ứng.

Trong khi nhiều công ty lớn của Mỹ tăng giá và lợi nhuận, thì chuỗi siêu thị Nhật Bản Aeon đã hứa sẽ giữ giá một số sản phẩm thực phẩm mang nhãn hiệu riêng, bao gồm bột mì, sốt mayonnaise và spaghetti, không thay đổi cho đến cuối năm nay. Người phát ngôn của Aeon cho biết: “Người tiêu dùng đang trở nên phòng thủ hơn trong việc bảo vệ cuộc sống của mình và không muốn chi quá nhiều tiền cho những thứ thiết yếu hàng ngày”.

Ryohin Keikaku, nhà điều hành của Muji, một thương hiệu bán lẻ hàng gia dụng và may mặc, đã giảm giá khoảng 190 mặt hàng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11. Một trong số đó là chiếc gối lông vũ giảm 42% so với giá trước đó. Một phát ngôn viên cho biết hàng may mặc, với nhiều đợt giảm giá, chứng kiến ​​doanh số bán hàng tăng trong tháng 9 và tháng 10.

Vào cuối tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết: “Có một rủi ro rất hạn chế là Nhật Bản sẽ trải qua lạm phát cao vốn là mối quan tâm của các nền kinh tế nước ngoài”.

Vấn đề là sản lượng và tiền lương tăng trưởng chậm. Ông Kiuchi thuộc Viện nghiên cứu Nomura cho biết giá cao hơn là một tín hiệu cho các công ty biết nhu cầu ở đâu mạnh nhất và họ nên đầu tư vào đâu. Theo thời gian, điều đó giúp người lao động đổ vào các lĩnh vực đang phát triển, nơi họ có thể làm việc hiệu quả hơn và kiếm được lương cao hơn. Ở Nhật Bản, ông cho biết cơ chế đó không hoạt động.

Tính đến quý III năm nay, nền kinh tế Nhật Bản thu hẹp 4,1% so với mức đỉnh trước đại dịch sau điều chỉnh lạm phát, trong khi nền kinh tế Mỹ mở rộng 1,4%. “Mỹ có một nền văn hóa kinh doanh trong đó các công ty có thể chuyển chi phí nguyên liệu và tài nguyên cao hơn sang giá bán, và tiền lương tăng lên mặc dù có khoảng cách” giàu nghèo, nhà kinh tế Mari Iwashita của Daiwa Securities cho biết. “Ở Nhật, lương không tăng ngay cả khi các công ty đang thiếu hụt lao động”.

Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng theo năm của Nhật Bản. Nguồn: Cục Thống kê Nhật Bản, WSJ.

Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng theo năm của Nhật Bản. Nguồn: Cục Thống kê Nhật Bản, WSJ.

Trong khi đội ngũ lao động bán thời gian tăng lên ở Nhật Bản những năm gần đây, các công ty lớn vẫn có cách thức tuyển dụng tương đối khắt khe, hiếm khi tuyển dụng nhân viên trung niên và vẫn đảm bảo nhân viên của mình có việc làm suốt đời cho đến khi nghỉ hưu.

Cách làm này giúp giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản ở mức khoảng 3% hoặc thấp hơn trong suốt đại dịch, so với mức cao nhất năm 2020 là gần 15% ở Mỹ. Mặt trái là người Nhật không nhảy sang những công việc trả lương cao hơn và thu nhập của người lao động gần như không đổi.

Ngay cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, dù đã cố gắng trong nhiều năm để đẩy lạm phát của đất nước lên cao hơn, không tăng lương cơ bản cho nhân viên của mình trong năm tài chính này lần đầu tiên sau 8 năm. Ngoài ra, cơ quan này cũng cắt giảm tiền thưởng.

Ngân hàng trung ương hy vọng rằng giá nguyên liệu và năng lượng cao hơn sẽ dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn và thay đổi tư duy không lạm phát của Nhật Bản.

Có một số dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra. Vào đầu tháng 11, Yamazaki Baking cho biết họ sẽ tăng giá dòng sản phẩm bánh mì của mình trung bình 7,3% kể từ ngày 1/1, phản ánh chi phí bột, đường, năng lượng và vận tải cao hơn. Kikkoman, do giá đậu tương cao hơn, cho biết giá xì dầu của họ sẽ tăng 4-10% bắt đầu từ tháng 2.

Ông Kuroda dự đoán rằng nhiều công ty sẽ làm tương tự để giải quyết chi phí tăng. “Họ có thể không chuyển hoàn toàn sang giá tiêu dùng do văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản, nhưng tôi tin rằng một phần trong số đó sẽ được phản ánh [trong giá tiêu dùng]”, ông nói.