VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Cấm TikTok có thể chỉ là sự khởi đầu

Cấm TikTok có thể chỉ là sự khởi đầu

07:25 - 28/03/2023

Nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc cũng có thể theo chân, đe dọa tham vọng xuất khẩu phần mềm của Trung Quốc ra thế giới.

Nền kinh tế thế giới sẽ khác như thế nào nếu trước đây, Mỹ cấm nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản?

Một kịch bản như vậy không quá khác biệt so với những gì Mỹ đang làm đối với công nghệ xây dựng bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, đầu tiên là phần cứng và bây giờ là phần mềm.

Sau khi cấm phần cứng từ các công ty Trung Quốc như Huawei, khả năng cấm TikTok – hiện là mặt hàng xuất khẩu công nghệ phổ biến nhất của Trung Quốc – đang đẩy cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đến “mặt trận” phần mềm. Nó cũng có thể tăng tốc quá trình phân chia các nước trên thế giới thành hai nhóm công nghệ, một nhóm liên minh với Mỹ và một nhóm chấp nhận và thậm chí chào đón công nghệ từ Trung Quốc.

Trong một tương lai không xa, điều đó có thể dẫn đến việc cấm một số ứng dụng phổ biến nhất trong giới trẻ Mỹ – không chỉ TikTok, mà cả ứng dụng chỉnh sửa video nổi tiếng CapCut (cùng chủ sở hữu với TikTok) và các ứng dụng mua sắm Shein và Temu đang phát triển nhanh. Người Mỹ cũng có thể không được truy cập những dịch vụ của Trung Quốc như ứng dụng thanh toán Alipay và ứng dụng nhắn tin WeChat.

Nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc có thể cũng bị cấm.

Nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc có thể cũng bị cấm.

Một số dự luật được đề xuất gần đây tại Quốc hội Mỹ có thể dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn TikTok. Một trong số đó được gọi là Đạo luật Hạn chế do một Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và một Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa soạn ra, và đã nhận được sự chào đón từ Nhà Trắng. Dự luật này trao cho cơ quan hành pháp, cụ thể là Bộ Thương mại, khả năng cấm TikTok nếu họ cho rằng nó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Trong khi đó, các biện pháp phản công của TikTok dường như không có kết quả tốt. Vào thứ Tư, TikTok tổ chức một cuộc họp báo ở Đồi Capital, bao gồm 20 ngôi sao trên nền tảng, nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ không nên cấm ứng dụng có 150 triệu người Mỹ sử dụng. Cùng lúc, nhiều nghị sĩ tham dự một bữa tối tổ chức bởi các doanh nhân công nghệ, tập trung vào mối đe dọa công nghệ đến từ Trung Quốc.

Hôm thứ Năm, trong một phiên điều trần ở Đồi Capitol, CEO TikTok Shou Zi Chew tìm cách xoa dịu lo ngại và nhấn mạnh rằng TikTok giúp chia sẻ văn hóa Mỹ và kết nối các doanh nghiệp nhỏ với khách hàng. Các nhà lập pháp Hạ viện dồn dập hỏi ông bằng những câu hỏi đầy hoài nghi và không có dấu hiệu cho thấy họ được xoa dịu.

Những người Mỹ phản đối sự xâm nhập công nghệ của Trung Quốc hiện đang tập trung vào TikTok. Nhưng dự luật Hạn chế sẽ trao cho chính phủ quyền cấm các công nghệ từ vệ tinh và trí tuệ nhân tạo đến thương mại điện tử và phần mềm đám mây. Nếu dự luật này được thông qua, tác động của nó có thể lớn hơn nhiều so với chỉ TikTok.

“Điều này có thể đe dọa Alipay, WeChat, Temu, Shein – chỉ cần xem danh sách các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc”, theo Glenn Gerstell, cựu tổng cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. “Và … dự luật không chỉ giới hạn ở Trung Quốc”.

CEO TikTok Shou Zi Chew điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm thứ Năm.

CEO TikTok Shou Zi Chew điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm thứ Năm.

TikTok nổi bật về mức độ phổ biến và tầm quan trọng của nó đối với văn hóa giới trẻ Mỹ. Là một mạng xã hội có tầm ảnh hưởng, những người chỉ trích cho rằng đây là một công cụ có thể dùng để tuyên truyền và gây ảnh hưởng theo cách khác với những ứng dụng thương mại điện tử.

Nhưng một lo ngại chính về TikTok cũng đúng với những ứng dụng khác. Theo những người chỉ trích, luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty Trung Quốc cung cấp mọi dữ liệu mà chính phủ yêu cầu, bất cứ khi nào họ yêu cầu, nếu dữ liệu được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia. Logic tương tự này có thể áp dụng cho các ứng dụng mua sắm, thanh toán hoặc nhắn tin thu thập thông tin về địa chỉ email, số điện thoại, vị trí và cách sử dụng của người dùng.

Năm 2020, Tổng thống Trump từng ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế việc người Mỹ sử dụng WeChat, dẫn đến sự phản đối từ các tập đoàn và cá nhân dùng ứng dụng này để kinh doanh hoặc giữ liên lạc với gia đình.

Theo dự luật Hạn chế, các cơ quan tình báo của Mỹ sẽ xác định xem TikTok và những ứng dụng khác có phải là mối đe dọa đủ lớn để bị cấm trên toàn quốc hay không. Vì các đồng minh của Mỹ thường hành động theo thông tin tình báo Mỹ, nhiều khả năng lệnh cấm sẽ được sao chép ở khắp thế giới, từ châu Âu, Úc đến Nhật Bản.

Tất nhiên, Trung Quốc từ lâu đã cấm người dân của mình sử dụng nhiều ứng dụng từ Mỹ và các nước khác, nên có thể lập luận rằng lệnh cấm TikTok của Mỹ chỉ đơn giản là hành động trả đũa công nghệ với Trung Quốc.

Nếu Mỹ cấm TikTok, các nước khác cũng có thể cấm ứng dụng này.

Nếu Mỹ cấm TikTok, các nước khác cũng có thể cấm ứng dụng này.

Các nước khác có thể cấm ứng dụng, viện dẫn lý do rằng Mỹ cũng cấm ứng dụng, theo ông Gerstell.

Hiện tại, TikTok bị cấm trên các thiết bị do chính phủ cấp tại hơn 30 tiểu bang của Mỹ, tại Liên minh Châu Âu và Canada. Vào năm 2020, Ấn Độ cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc tại một khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya.

Sự kiện ở Ấn Độ chỉ ra một động cơ lớn hơn để cấm TikTok. Nó ít liên quan đến quyền riêng tư và an ninh mạng, mà liên quan nhiều hơn đến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và ưu thế công nghệ.

“Bất cứ ai chiến thắng cuộc đua [giành ưu thế công nghệ] sẽ giành được quyền lực kinh tế, và do đó là quyền lực chính trị”, theo nhà đầu tư mạo hiểm Vinod Khosla. “Điều này rộng hơn nhiều so với an ninh quốc gia.”

Từ lâu, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng để giàu có hơn, nước này phải vượt ra khỏi vị trí dẫn đầu trong sản xuất để trở thành nước dẫn đầu trong phần mềm, dịch vụ và trí tuệ nhân tạo. Với 1,8 tỷ người dùng trên toàn thế giới, TikTok là một ví dụ về tiềm năng của phần mềm Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Theo Kevin Xu – cựu nhân viên Nhà Trắng, nhà đầu tư mạo hiểm và trưởng bộ phận mở rộng toàn cầu của GitHub – định giá của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc phản ánh sự thành công vượt bậc của TikTok và niềm tin của nhà đầu tư rằng chúng có thể cạnh tranh với các đối thủ Mỹ. Nhưng nếu dự luật Hạn chế được thông qua, định giá của chúng sẽ thấp hơn nhiều.