VNReport»Kinh tế»Tài chính»Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo tình ái qua mạng và những cách nhận diện

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo tình ái qua mạng và những cách nhận diện

14:49 - 21/02/2025

Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, những câu chuyện tình lãng mạn trên mạng xã hội, những lời hứa hẹn ngọt ngào có thể chỉ là vỏ bọc hoàn hảo cho những âm mưu lừa đảo tinh vi. Trong những năm gần đây, lừa đảo tình ái đã trở thành một trong những mối nguy hiểm lớn đối với người dùng Internet.

Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2025, số vụ lừa đảo tình ái qua mạng tại Việt Nam tiếp tục gia tăng, đặc biệt vào dịp Lễ tình nhân 14/2. Các kẻ lừa đảo đã lợi dụng tâm lý tìm kiếm tình yêu của nhiều người, nhất là những người cô đơn và dễ tổn thương, để chiếm đoạt tài sản. Họ thường tạo dựng mối quan hệ giả mạo qua các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Facebook, Zalo và các nền tảng mạng xã hội khác.

Một trong những trường hợp nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận trong năm 2024 là vụ lừa mà nạn nhân là anh Dư Hồng Cư, một người đàn ông ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, qua ứng dụng hẹn hò trên Facebook, anh Cư đã quen với một phụ nữ tên là “Vy Lê”, người đã kể một câu chuyện tình cảm đầy cảm động. Sau một thời gian trò chuyện, “Vy Lê” đã yêu cầu anh Cư chuyển tiền cho cô ta nhiều lần với lý do mẹ mất vì COVID-19, rồi cần tiền chữa bệnh và sửa chữa nhà cửa.

Từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2022, anh Cư đã chuyển cho “Vy Lê” gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi anh quyết định gặp gỡ người tình ảo, anh phát hiện mọi chuyện đều là giả dối. “Vy Lê” thực chất là Bùi Thị Hồng Ngọc, một người phụ nữ đã có gia đình và đã lừa đảo nhiều nạn nhân khác. Sau khi anh tố giác, Hồng Ngọc đã bị bắt và nhận án 13 năm tù.

Đây chỉ là 1 trong nhiều trường hợp lừa đảo tình ái qua mạng. Theo các chuyên gia an ninh mạng, có nhiều lý do khiến các vụ lừa đảo tình ái qua mạng ngày càng gia tăng, khiến nhiều người trở thành nạn nhân. Một trong những yếu tố chính là sự thiếu nhận thức và kỹ năng bảo mật của người dùng. Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc ít sử dụng công nghệ, dễ dàng tin vào những lời mời gọi tình cảm và cơ hội tài chính từ những người lạ.

Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc ít sử dụng công nghệ, dễ dàng tin vào những lời mời gọi tình cảm và cơ hội tài chính từ những người lạ.

Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng lừa đảo tình cảm này gia tăng là tâm lý cô đơn và khao khát tình cảm. Đây cũng được xem là yếu tố khiến nhiều người trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo. Theo đó, những kẻ này thường xây dựng mối quan hệ tình cảm giả mạo một cách nhanh chóng và khéo léo, khiến nạn nhân cảm thấy họ đang có một “tình yêu đích thực”. Cảm giác này khiến nhiều người không đủ tỉnh táo để nhận diện những dấu hiệu bất thường, dẫn đến việc họ chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân mà không suy nghĩ kỹ.

Không chỉ thế, việc sử dụng các nền tảng trực tuyến và ứng dụng hẹn hò mà không kiểm tra và xác minh thông tin kỹ lưỡng cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người bị lừa. Các kẻ lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về bảo mật và sự thuận tiện của công nghệ để chiếm đoạt tài sản mà không bị phát hiện.

Đáng chú ý, chuyên gia an ninh mạng Kaspersky còn đưa ra một số biến tướng mới của hình thức lừa đảo tình ái này. Theo đó, một biến tướng đặc biệt nguy hiểm là mạo danh tổ chức tôn giáo hoặc hội kín nổi tiếng như Illuminati, hứa hẹn quyền lực và tài sản nếu nạn nhân tham gia, thường phải trả phí “nhập hội”.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo cũng lợi dụng các sự kiện toàn cầu như đại dịch COVID-19 hoặc bầu cử tổng thống để tạo tình huống giả mạo, gửi thông điệp về “trúng thưởng” hoặc “cơ hội đầu tư”.

Đơn cử như chúng có thể tuyên bố nạn nhân trúng giải thưởng quốc tế nhưng yêu cầu thanh toán phí trước. Khi nạn nhân chuyển tiền, chúng sẽ lập tức biến mất.

Hay một chiêu thức khác đó là tạo dựng mối quan hệ qua mạng, sau đó yêu cầu nạn nhân gửi quà tặng, sau đó yêu cầu thanh toán phí vận chuyển hoặc khai báo hải quan, khiến nạn nhân mất tiền mà không nhận được quà.

Kẻ lừa đảo còn mạo danh người gặp tai nạn hoặc bệnh tật nghiêm trọng, yêu cầu tiền giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp, kèm theo hình ảnh giả để tăng độ tin cậy.

Những biến tướng này ngày càng phức tạp và khó phát hiện, do đó người dùng mạng xã hội cần cảnh giác và bảo vệ thông tin cá nhân. Các chuyên gia khuyến cáo không nên cung cấp thông tin tài chính trên các nền tảng không xác minh rõ ràng và báo cáo ngay cho cơ quan công an khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ.

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/canh-bao-cac-chieu-tro-lua-dao-tinh-ai-qua-mang-va-nhung-cach-nhan-dien-20250218175609689.htm