VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Cảnh giác với shipper giả “giăng bẫy” người tiêu dùng online

Cảnh giác với shipper giả “giăng bẫy” người tiêu dùng online

12:46 - 15/10/2024

Theo số liệu từ hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, danh sách website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo đều có tên các trang giả mạo Công ty chuyển phát Giao Hàng Tiết Kiệm và các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada…

Thực tế, trong thời gian gần đây, xuất hiện các đối tượng lừa đảo nhắn tin hoặc gọi điện cho người mua hàng, tự xưng là shipper của các công ty giao hàng uy tín như Grab, Giao Hàng Nhanh, Viettel Post… Thủ đoạn này tạo ra sự tin tưởng ban đầu từ phía nạn nhân bởi các đối tượng này thường đọc đúng giá trị đơn hàng mà người tiêu dùng đặt qua sàn thương mại điện tử.

Theo đó, các đối tượng này sẽ tham gia theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Sau khi  lấy được thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream hoặc lợi dụng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân gia tăng để tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng.

Tiếp đó, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng (giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…) của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt ở nơi giao hàng để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt để nhận hàng, đối tượng sẽ nói để hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Đáng chú ý, đối tượng thường tạo áp lực, thậm chí là thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng trị giá cao.

Trong trường hợp giá trị đơn hàng thấp, sau khi nhận được tiền mà khách hàng gửi, đối tượng sẽ gọi điện đến khóc, xin lỗi vì đã nhắn nhầm số tài khoản và thông báo người chuyển tiền đã vô tình nộp lệ phí trở thành hội viên. Khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản. Lúc này, đối tượng sẽ gửi cho nạn nhân đường link dẫn đến trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên. Khi bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, người dùng có nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Xuất hiện các đối tượng lừa đảo nhắn tin hoặc gọi điện cho người mua hàng, tự xưng là shipper của các công ty giao hàng uy tín như Grab, Giao Hàng Nhanh, Viettel Post…

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận định đây là thủ đoạn mới, tội phạm theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để xác định khách hàng có đặt mua sản phẩm.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận, tin nhắn công khai để thu thập thông tin người mua hàng. Có “data” trong tay, nhóm kẻ xấu gọi điện thoại xưng là nhân viên giao hàng để lừa đảo.

Thông thường các đối tượng lừa đảo này sẽ thường chọn thời điểm giờ hành chính, khách hàng không ở nhà để gọi điện. Nếu khách bảo không có nhà, chúng sẽ nói để hàng ở sảnh, hoặc ở “chỗ cũ” và sau đó yêu cầu thanh toán đơn hàng. Để tránh bị phát hiện, chúng sẽ liên tục gọi điện thúc ép khách chuyển tiền thanh toán. Ngược lại trong trường hợp khách hàng hẹn xuống lấy hàng ngay lập tức, các đối tượng này sẽ tắt máy và biến mất.

Do đó, để phòng ngừa và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng nên chủ động trong việc quản lý các đơn hàng của mình, cần biết rõ mình đặt mua gì và đơn vị nào thực hiện chuyển phát. Hiện nay, có nhiều đơn vị giao hàng có mở tính năng theo dõi đơn hàng đang giao cho người tiêu dùng, hãy theo dõi trên các app của nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát và chỉ trao đổi với shipper qua kênh này vì nó đảm bảo độ uy tín.

Trong trường hợp bắt buộc phải liên lạc trực tiếp với shipper, hãy trự tiếp trao đổi thông tin qua điện thoại, tuyệt đối không bấm vào link có địa chỉ không rõ ràng, không có tick xanh hay không được công bố công khai trên website của nhà cung cấp dịch vụ.

Công an khuyến cáo trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn do người lạ gửi đến. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/canh-giac-voi-shipper-gia-giang-bay-nguoi-tieu-dung-online-398027.html