VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Cạnh tranh gay gắt từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài gia nhập thị trường Việt

Cạnh tranh gay gắt từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài gia nhập thị trường Việt

10:03 - 13/01/2025

Với sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử quốc tế, thị trường Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng thực sự. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng trong và ngoài nước đã tạo nên một cuộc đua giành thị phần vô cùng hấp dẫn.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ khi tốc độ tăng trưởng năm 2024 sẽ đạt 20%. Không chỉ là nơi mua sắm, thương mại điện tử còn là kênh quảng bá hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Theo báo cáo mới nhất của Metric (nền tảng dữ liệu thương mại điện tử), trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng tích cực với tổng doanh thu đạt 227.700 tỷ đồng (tương đương 9,5 tỷ USD), tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong quý 3, doanh thu đạt 84.700 tỷ đồng, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường TMĐT tại Việt Nam.

Hiện nay, thị trường Việt Nam xoay quanh 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu: Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo. Năm ngoái, doanh thu của 5 sàn này đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022; trong đó, Shopee vẫn dẫn đầu với hơn 70% thị phần, tiếp theo là Lazada và TikTok Shop.

Theo dữ liệu từ Metric, trong nửa đầu năm 2024, Shopee đạt doanh thu khoảng 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; còn TikTok Shop đạt 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Trong khi đó, Lazada chỉ đạt 6.030 tỷ đồng, chiếm 7,6% thị phần và Tiki vỏn vẹn 1,3% thị phần với 997,06 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thị trường TMĐT Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự gia nhập của hàng loạt sàn TMĐT nước ngoài.

Theo đó, một số nền tảng TMĐT của Trung  Quốc như 1688 (Alibaba) hay Temu (PDD Holdings), Shein, Taobao… đã đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam.

chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thị trường TMĐT Việt Nam chứng kiến sự gia nhập của hàng loạt sàn TMĐT nước ngoài.

Cụ thể, sàn 1688 đã có động thái Việt hóa gần như toàn bộ giao dịch, ứng dụng và các bước đăng ký tài khoản, điều khoản sử dụng, đơn hàng, vận chuyển… để tiếp cận khách hàng Việt Nam. Đồng thời, 1688 cũng triển khai chạy nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi với mức giảm giá từ 20%-80%, tập trung vào các ngành hàng thời trang, đồ gia dụng… Hơn nữa, hàng hóa cũng được bảo đảm ship thẳng từ Trung Quốc đến tận nhà chưa đến 1 tuần.

Trong khi đó, Temu lại làm mưa làm gió thị trường Việt Nam khi cập nhật giao diện tiếng Việt trên trang web và ứng dụng để hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí, sàn TMĐT này còn đầu tư hệ thống kho vận lớn để bảo đảm hoạt động vận chuyển hàng sang Việt Nam một cách nhanh chóng và rẻ nhất.

Nhận định về tình hình TMĐT Việt Nam trong năm qua, Báo cáo kết quả khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo vừa công bố cho rằng, cạnh tranh gay gắt đến từ các sàn thương mại điện tử quốc tế gia nhập vào thị trường (Temu, Shein) hay thông quan trực tiếp về Việt Nam (Taobao Alibaba) đã khiến áp lực với nhóm bán TMĐT càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Thực tế, đi cùng với sự cạnh tranh giữa các sàn TMĐT, chi phí nền tảng kinh doanh trên sàn cũng có xu hướng tăng hơn so với các năm trước, đi kèm với đó là thuế được quản lý chặt chẽ hơn, nhà bán hàng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tối ưu chi phí vận hành để đảm bảo được lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cuộc canh tranh khốc liệt về giá đang có xu hướng giảm nhiệt, thay vào đó các nhà bán hàng bắt đầu có xu hướng kinh doanh bền vững để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế mới được Quốc hội thông qua về việc yêu cầu các sàn TMĐT nộp thuế thay cho nhà bán hàng được dự đoán sẽ giảm bớt gánh nặng thủ tục, mở ra một cơ chế minh bạch và đơn giản hơn.

Hơn nữa, để khắc phục tình trạng khó khăn này, trong năm qua, các mạng xã hội lớn như Facebook (Meta) và TikTok (Bytedance) đã đầu tư rất nhiều vào các công cụ hỗ trợ tiếp thị với mục đích tăng tỷ lệ quảng cáo trúng đích, quảng cáo đúng nhu cầu và quảng cáo sáng tạo. Triển khai ứng dụng AI tối ưu quảng cáo trên Facebook, đồng thời ra mắt hình thức quảng cáo tin nhắn trên TikTok, để góp phần khiến các kênh tiếp thị này được tin tưởng.

Mặt khác, các nhà bán hàng cũng chú trọng và dành nhiều ngân sách cho quảng cáo qua mạng xã hội như Instagram, TikTok hay Facebook. Theo báo cáo của Sapo, 100% dự định 2025 đều nhắc đến việc mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook,… Con số này là minh chứng cho thấy nhà bán hàng vẫn xem các kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của thương mại điện tử trong bán lẻ hiện đại.

Đáng chú ý, livestream “phất lên” cũng tạo ra những cơn sốt mua sắm ấn tượng. Theo khảo sát, Facebook Live chiếm 23% và TikTok Live chiếm 18% tổng số phiên livestream của nhà bán hàng đang kinh doanh đa kênh hoặc chỉ bán online. Shopee Live kém phổ biến hơn (10%), chủ yếu được sử dụng bởi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyên bán trên sàn thương mại điện tử. Không chỉ thế, các phiên Mega Live đã trở thành hiện tượng và đóng góp không nhỏ vào thành công của TMĐT. Sự kết hợp giữa livestream bán hàng, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và sự tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua. Hàng triệu người tiêu dùng đã đổ xô tham gia các phiên đấu giá, săn sale, tạo nên những kỷ lục doanh số ấn tượng.

Nhìn chung, sự xuất hiện của các sàn TMĐT ngoại gây áp lực không nhỏ cho các nhà bán hàng nội địa. Tuy nhiên, các sàn TMĐT Việt như Tiki và Sendo vốn dĩ đã có thị phần rất thấp trên thị trường. Do đó, cuộc chơi còn lại sẽ là của các sàn TMĐT lớn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, 1688, YouTube Shopping,…

https://vneconomy.vn/canh-tranh-gay-gat-tu-cac-san-thuong-mai-dien-tu-nuoc-ngoai-gia-nhap-thi-truong-viet.htm