Những ngày đầu năm 2023, người dùng trên thế giới lên “cơn sốt” với chatbot mang tên ChatGPT. Sự có mặt của ChatGPT với những tính năng thông minh vượt trội dự báo tạo nên một làn sóng mới tại những nước đang phát triển như Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Quý – Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) cho biết ChatGPT là một trong những chatbot thông minh nhất hiện nay và là một bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Quý cho rằng các công ty công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng những “công nghệ lõi” về trí tuệ nhân tạo của các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển những sản phẩm của riêng mình.

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển AI
Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng tầm AI trở thành một công nghệ chủ lực. Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022” do Oxford Insights (Anh) công bố, Việt Nam xếp hạng 55/181 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI.
Báo cáo này cũng nhận định Việt Nam đang có các lợi thế như dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số, đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển công nghệ AI.
Không những thế, việc doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư vào các dự án AI không phải là hiếm, cùng với đó ứng dụng trí thông minh nhân tạo được hiển hiện trong mọi mặt của cuộc sống từ đời sống, công nghệ, đô thị, bảo hiểm cho đến nông nghiệp, y tế…
Các cái tên như Viettel, Vingroup, FPT… cũng đang rót hàng trăm tỷ đồng nhằm nghiên cứu, ứng dụng AI với mặt bằng công nghệ tiệm cận hoặc thậm chí là vượt qua nhiều quốc gia trên thế giới.
Nói về công nghệ AI, Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú khẳng định đây là một trong bốn công nghệ cốt lõi của Tập đoàn. Ngay từ năm 2013, FPT đã bắt tay vào đầu tư toàn diện cho AI từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực cũng như hợp tác với các tổ chức hàng đầu thế giới về AI.
Tới hiện tại, hệ sinh thái AI của FPT đang có hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm. “AI sẽ xu hướng của toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Trong vòng 3 năm tới, FPT sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 300 tỷ đồng nhằm đưa AI vào tất cả các sản phẩm, dịch vụ của mình, qua đó tạo ra sự phát triển vượt trội cho các ngành nghề trong cuộc sống như y tế, giáo dục, chăm sóc khách hàng …”- ông Vũ Anh Tú chia sẻ.
Ông Ngô Minh Quân – CEO của Rikkei Digital cũng cho hay hiện tại Rikkeisoft đã bước đầu tự chủ về công nghệ AI lõi, nên định hướng sẽ đầu tư hơn nữa vào sản phẩm ứng dụng AI, như camera thông minh, loa thông minh. Ngoài ra, robotics là lĩnh vực được Rikkeisoft đầu tư nghiên cứu từ năm 2019.
Theo ông Quân, thời gian tới, Rikkeisoft đẩy mạnh việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng nhờ công nghệ robot và áp dụng trong lĩnh vực thực tế như khách sạn, resort và sân golf. Trước xu thế xe điện, trong năm tới, Rikkeisoft sẽ hưởng ứng bằng cách phát triển các ứng dụng AI và tạo ra các ứng dụng cài đặt trên xe.
Với Viettel, theo ông Nguyễn Mạnh Quý, đơn vị này sẽ tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính: Xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. Viettel cũng đang phát triển thêm lĩnh vực Robotics và Digital Twin để mở rộng lĩnh vực AI.
Như vậy có thể thấy, Việt Nam đang nắm bắt khá tốt xu hướng phát triển AI so với mặt bằng chung của thế giới. Với việc nhiều DN lớn đã sẵn sàng đứng ra dẫn dắt quá trình phát triển AI với hàng loạt sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều này đã mở ra thuận lợi cho các DN nhỏ, startup tiếp bước. Cùng với đó, sự bùng nổ của ChatGPT cũng là cơ hội để ngành AI Việt có bước phát triển vượt bậc.