Khi đại dịch buộc Nvidia phải tổ chức trực tuyến một buổi ra mắt sản phẩm lớn, CEO Jensen Huang quảng bá cho sự kiện bằng một video quay từ nhà bếp của mình, nơi ông lấy con chip mới nhất của công ty ra từ lò nướng. “Tôi có thứ này muốn cho các bạn xem”, ông Huang nói trong video. “Cái này đã nấu được một lúc”, ông nói trước khi nhấc ra một bảng mạch từ lò nướng để giới thiệu “card đồ họa lớn nhất thế giới”.
Đó là phong cách trình diễn đặc trưng của vị CEO người Mỹ gốc Đài Loan – luôn mặc áo khoác da màu đen trong những buổi ra mắt sản phẩm – vừa trở thành một trong số ít các doanh nhân công nghệ lãnh đạo một công ty trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Jensen Huang luôn mặc áo khoác da màu đen trong các buổi giới thiệu sản phẩm của Nvidia.
Ông Huang – 60 tuổi – là CEO thứ hai của Mỹ sau cựu CEO Amazon Jeff Bezos đạt được mốc này với công ty mà họ đồng sáng lập. Ông là một trong số ít các CEO gần như đồng nghĩa với công ty của mình. Ông thậm chí còn có một hình xăm logo Nvidia trên cánh tay.
Những con chip của công ty là trái tim của các xu hướng công nghệ lớn, từ trò chơi điện tử đến ô tô tự lái, điện toán đám mây và giờ là trí tuệ nhân tạo (AI). Cổ phiếu của Nvidia tăng vọt sau những dự báo doanh thu cao ngất ngưởng nhờ sự bùng nổ của AI. Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào ngày 30/11/2022, giá trị vốn hóa của Nvidia đã tăng vọt từ khoảng 420 tỷ USD lên mức hiện tại.
Thành công của ông Huang một phần bắt nguồn từ mong muốn giải quyết những vấn đề hóc búa của khoa học máy tính bằng sự kết hợp giữa phần mềm và phần cứng – một tầm nhìn mà ông mất 3 thập kỷ để hoàn thiện.
Sinh ra ở Đài Loan, ông Huang chuyển đến Mỹ khi còn nhỏ, tốt nghiệp với các bằng kỹ sư tại Đại học Bang Oregon và Đại học Stanford.
Ông cực kỳ nổi tiếng ở cường quốc bán dẫn Đài Loan và được chào đón như một ngôi sao trong chuyến thăm Đài Bắc tuần này để tham dự một hội chợ thương mại. Ngày 29/5, ông phát biểu trước hàng nghìn người. Một số khán giả nán lại chụp ảnh với ông sau bài phát biểu dài 2 tiếng.
Năm 1993, khi 30 tuổi, ông thành lập Nvidia cùng với Curtis Priem và Chris Malachowsky, nhận được sự hậu thuẫn từ quỹ Sequoia Capital và các nhà đầu tư khác. Thành công lớn đầu tiên của công ty là những con chip chuyên dụng để hỗ trợ đồ họa cường độ cao trong trò chơi điện tử – gọi là bộ xử lý đồ họa (GPU). Ngay cả khi đó, ông Huang cũng không nghĩ rằng Nvidia chỉ là một công ty sản xuất chip.
“Đồ họa máy tính là một trong những phần phức tạp nhất của khoa học máy tính”, ông Huang nói trong một phát biểu năm 2021. “Bạn phải hiểu tất cả mọi thứ”.
Vào giữa những năm 2000, ông Huang và nhóm của mình nhận ra rằng chip của Nvidia có thể được sử dụng cho các vấn đề máy tính tổng quát hơn. Họ phát hành một nền tảng phần mềm có tên CUDA để cho phép các nhà phát triển phần mềm thuộc mọi lĩnh vực lập trình trên chip của Nvidia.
Điều đó đã khởi đầu cho một làn sóng những ứng dụng mới như khai thác tiền mã hóa. Nhưng ông Huang nhận ra rằng các phòng nghiên cứu ở các trường đại học đang sử dụng chip của mình để làm công việc AI – một lĩnh vực khoa học máy tính hứa hẹn là nền tảng của những ứng dụng từ trợ lý ảo đến ô tô tự lái. Nvidia phát hành một loạt chip dành cho AI. Khoản cược này đang được đền đáp.
Nvidia cũng tạo sự khác biệt bằng cách giao phần việc đúc chip cho các đối tác bao gồm TSMC, chỉ tập trung vào thiết kế, trái với mô hình tích hợp thiết kế và sản xuất như của Intel. Hiện tại, Intel có giá trị vốn hóa chỉ bằng khoảng 1/8 của Nvidia.
“Ông ấy giúp tạo ra một cuộc cách mạng cho phép điện thoại trả lời thành tiếng những câu hỏi, các trang trại có thể phun thuốc lên cỏ dại nhưng không phải cây trồng, các bác sĩ có thể dự đoán đặc tính của những loại thuốc mới – với nhiều điều kỳ diệu hơn trong tương lai”, doanh nhân AI Andrew Ng viết về ông Huang trên tạp chí Time năm 2021, khi ông được tạp chí này xướng tên là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới.