VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Châu Âu ứng phó làn sóng tị nạn

Châu Âu ứng phó làn sóng tị nạn

14:01 - 23/11/2022

Cuộc khủng hoảng di cư đang nóng trở lại khi dòng người kéo đến Liên minh châu Âu (EU) tăng cao kỷ lục và những căng thẳng mới giữa các nước thành viên EU bùng phát.

Thời gian gần đây, những người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, châu Phi vượt biên trái phép vào EU thông qua biên giới với một số quốc gia châu Âu đang tăng mạnh, bất chấp nỗ lực lớn của cơ quan nhập cư và Cơ quan Bảo vệ biên giới EU (Frontex). Trong 10 tháng đầu năm 2022, có tới 275.500 người đã vượt biên trái phép vào EU, tăng 73% so cùng kỳ năm 2021 và đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 2016.

Chưa dừng lại ở đó, số lượng đơn xin tị nạn đang ngày một lên cao trên khắp châu Âu. Vào tháng 8, số đơn xin tị nạn tại EU, Na Uy, Thụy Điển, Iceland và Liechtenstein đã tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 578.875 người.

Người di cư tại đường phố Bỉ

Trước đó, sau cuộc khủng hoảng tị nạn 2016, các nước châu Âu đã nhất trí được về một cơ chế phân bổ người tị nạn để giảm tải cho các nước Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Chypres và Malta, là nơi dòng người tị nạn xâm nhập châu Âu. Cơ chế đó khuyến khích các nước thành viên Liên minh châu Âu tự nguyện nhận về một số lượng người nhất định, nước nào không muốn nhận người thì phải đóng góp bằng tiền. Nhưng cơ chế này chưa kịp triển khai thì đại dịch xảy ra, dòng di cư sụt giảm.

Gần đây, khi dòng người đổ về dồn dập cho thấy cơ chế tự nguyện đó chưa đủ ràng buộc và chỉ có tác dụng nếu có nhiều thời gian chứ không thể đáp ứng tình huống khẩn cấp. Thực tế, từ đầu năm nay có khoảng 88.000 người tị nạn tràn vào Italy, nhưng cơ chế này mới chỉ tái định cư được cho 164 người.

Dù di cư bất hợp pháp từ lâu đã là vấn đề đau đầu của hàng loạt các nước châu Âu, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi châu Âu còn đang xoay xở trước hàng loạt thách thức nổi cộm và cấp bách khác như lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng, đời sống người dân bấp bênh… thì áp lực từ dòng người tị nạn dồn dập đổ về đã khiến cho những bất bất ổn chính trị và căng thẳng xã hội ngày càng gia tăng ở các quốc gia EU.

Chẳng hạn, nước Đức thì sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn để khắc phục tình trạng già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia như Italia, Hy Lạp, Serbia, Hungary, Croatia lại không tiếp nhận người di cư do lo ngại về an ninh và khó khăn của nền kinh tế.

Mới đây, Italia đã từ chối tiếp nhận một con tàu chở 231 người di cư và con tàu sau đó được giải cứu cập cảng Toulon của Pháp. Pháp phản đối gay gắt quyết định này của Italia và cho rằng, chính sách của Italia đi ngược lại những lời kêu gọi đoàn kết trong vấn đề di cư.

Trong khi đó, chính phủ Bỉ cũng đang phải chịu hai phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu về việc không cung cấp chỗ ở cho người tị nạn.

Giới chức châu Âu cảnh báo, dòng người di cư trái phép tới châu Âu còn tiếp tục tăng mạnh trong năm tới. Giữa lúc cuộc khủng hoảng di cư đang nóng trở lại khi dòng người kéo đến đây tăng cao kỷ lục và những căng thẳng mới giữa các nước thành viên EU bùng phát, EU sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường trong tuần này nhằm tháo gỡ bất đồng về vấn đề di cư.

Cộng hòa Séc – nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết, trong cuộc họp sắp tới, Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia EU sẽ nỗ lực giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại trên mọi tuyến đường di cư. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas, hội nghị lần này cần tháo gỡ vướng mắc về việc cho phép người di cư từ các tàu do các tổ chức phi chính phủ điều hành lên bờ.