VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Châu Âu “đi đường vòng” mua khí đốt Nga

Châu Âu “đi đường vòng” mua khí đốt Nga

16:00 - 08/09/2022

Trong lúc cố gắng giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu Âu lại đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Trung Quốc. Tuy nhiên nguồn khí đốt đó lại bắt nguồn từ Nga.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Nga cắt vô thời hạn việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 – đường ống dẫn khí đốt lớn nhất giữa nước này với EU. Giữa lúc châu Âu đang “săn lùng” khí đốt để thay thế cho sự suy giảm nguồn cung từ Nga vào thời điểm mùa đông đang đến gần, Trung Quốc bất ngờ trở thành “cứu cánh” cho thị trường này.

Theo hãng tin Bloomberg, các công ty quốc doanh của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng đang đẩy mạnh việc bán khí đốt hoá lỏng (LNG) cho châu Âu. Trùng hợp, nhập khẩu LNG từ Nga vào Trung Quốc cũng tăng mạnh trong năm nay. Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã chi 35 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng Nga, so với mức 20 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 7/2022, SCMP đưa tin Trung Quốc đã mua tổng cộng 2,35 triệu tấn LNG, trị giá 2,16 tỷ USD, từ Nga. Lượng nhập khẩu đã tăng 28,7% so với năm ngoái trong khi giá trị tăng 182%. Đồng nghĩa, Nga đã vượt Indonesia và Mỹ để trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ 4 của Trung Quốc trong năm nay.

Tàu chở LNG trên biển

Nhà sản xuất Gazprom cho biết nguồn cung cấp hàng ngày của họ cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Nguồn cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc đã tăng 63,4% trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó, nhập khẩu từ hầu hết nguồn khác của Trung Quốc đều giảm còn nhu cầu trong nước thì suy giảm do các đợt giãn cách vì Covid-19.

Sự gia tăng trong việc nhập khẩu LNG của Nga không chỉ bởi Trung Quốc muốn giữ giao dịch khí đốt với Nga mà hơn cả, nước này đã âm thầm bán lại LNG của Nga cho một thị trường đang rất khát là châu Âu. Tờ Financial Times mới đây đưa tin: Nỗi lo thiếu khí đốt của châu Âu vào mùa đông có thể được xóa tan nhờ vào một “hiệp sĩ” bất ngờ là Trung Quốc. Tuy nhiên, LNG dư thừa của Trung Quốc lại chính là nhập khẩu từ Nga.

Theo Nikkei, Tập đoàn chuyên kinh doanh LNG JOVO của Trung Quốc gần đây tiết lộ đã bán lại một lô hàng LNG cho một người mua ở châu Âu. Và lợi nhuận thu được từ một giao dịch như vậy có thể lên tới hàng chục triệu USD, thậm chí lên tới 100 triệu USD.

Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec cũng thừa nhận trong một cuộc họp báo hồi tháng 4 rằng họ đã chuyển LNG dư thừa vào thị trường quốc tế. Sinopec đã bán được 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn. Và tổng lượng LNG Trung Quốc đã bán lại ước tính xấp xỉ 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa năm, tính đến cuối tháng 6.

Nhờ lượng khí tự nhiên hóa lỏng từ Trung Quốc, châu Âu đã lấp đầy các kho chứa khí đốt của mình đến 77% trước thời điểm bắt đầu rút lượng dự trữ bắt đầu từ tháng 11. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, thay vì phụ thuộc vào Nga về khí đốt, châu Âu lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, đó vẫn là thứ khí đốt của Nga nhưng được nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ khác là không đi thẳng từ Nga sang châu Âu như trước mà đi “đường vòng” qua Trung Quốc.

Ngoài con đường vòng qua Trung Quốc, khí đốt Nga cũng vẫn đang chảy vào châu Âu thông qua các tuyến hàng hải ngầm bằng việc chuyển dầu giữa các tàu ngay trên biển. Theo cuộc khảo sát của Nikkei Asia, trong vòng 6 tháng tính tới ngày 22/8, 175 tàu đã thực hiện chuyển tải với các tàu chở dầu từ Nga trên vùng biển của Hy Lạp. Trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 9 tàu có hoạt động này. Điều này cho thấy các vùng biển gần Hy Lạp đang trở thành điểm trung chuyển dầu giữa Nga và châu Âu.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy Nga đã xuất khẩu 23,86 triệu thùng dầu theo hình thức chuyển tải dầu như thế này ở vùng biển Hy Lạp. Cùng kỳ năm ngoái, còn số này là 4,34 triệu thùng.

Trong khi EU và Anh đang tiến tới cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, việc chuyển dầu giữa các tàu ngay trên biển giúp che giấu nguồn gốc của số dầu đó và hoạt động này được dự báo có thể vẫn tiếp tục diễn ra sau khi lệnh cấm có hiệu lực.