VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Châu Âu, Mỹ có thể sắp “đình chiến” trợ cấp máy bay sau 17 năm

Châu Âu, Mỹ có thể sắp “đình chiến” trợ cấp máy bay sau 17 năm

11:49 - 15/06/2021

Nếu đạt được thỏa thuận toàn diện, cuộc tranh chấp về trợ cấp máy bay giữa Mỹ về châu Âu từ năm 2004 có thể sẽ kết thúc.

Mỹ và châu Âu đang tăng tốc các nỗ lực để đạt được thỏa thuận chấm dứt tranh chấp kéo dài 17 năm về trợ cấp máy bay nhưng có thể chấp nhận tạm “đình chiến” trong các cuộc chiến thuế quan gần đây.

Một thỏa thuận chấm dứt hoặc tạm dừng vụ tranh chấp thương mại doanh nghiệp lớn nhất thế giới sẽ giải thoát cho hàng chục ngành công nghiệp khác bị ảnh hưởng bởi thuế quan ăn miếng trả miếng đã bị đình chỉ vào tháng Ba. Nếu không có tiến triển, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại mới trong vòng vài tuần tới.

Airbus đã bị Mỹ và Boeing đã bị châu Âu cáo buộc nhận trợ cấp không công bằng.

Airbus đã bị Mỹ và Boeing đã bị châu Âu cáo buộc nhận trợ cấp không công bằng.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã thảo luận về tranh chấp trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp EU Valdis Dombrovskis vào thứ Hai trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ – EU hôm thứ Ba. Tai sẽ đến Anh vào thứ Tư.

Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU, và Mỹ đều mong muốn tìm ra giải pháp trước ngày 11/7 khi thời hạn đình chỉ thuế quan xuyên Đại Tây Dương hiện tại chấm dứt. Hai bên đang đặt mục tiêu đạt được 2 hiệp ước: một hiệp ước giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, và một hiệp ước khác giữa Washington và London sau khi Anh rời EU về các quy tắc cơ bản mới về hàng không vũ trụ. Nếu không có một thỏa thuận chi tiết, họ có thể lựa chọn một thỏa thuận đẩy lùi việc áp thuế trở lại trong nhiều năm, nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ thiết lập lại quan hệ với các đối tác châu Âu sau 4 năm đầy biến động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Các chuyên gia thương mại cho rằng một thỏa thuận để đóng băng xung đột về trợ cấp cho máy bay sẽ giúp cả hai bên có thêm thời gian để tập trung vào các chương trình nghị sự rộng hơn như mối lo ngại về mô hình kinh tế do nhà nước điều hành của Trung Quốc.

Các mức thuế đối với hàng hóa trị giá 11,5 tỷ USD được áp đặt dần từ năm 2019 sau khi Mỹ và EU đều giành được chiến thắng một phần tại Tổ chức Thương mại Thế giới về các cáo buộc viện trợ không công bằng cho các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus.

Tranh chấp kéo dài từ năm 2004 khi Mỹ rút khỏi hiệp ước trợ cấp máy bay năm 1992 và kiện EU ra WTO, cho rằng Airbus đã chiếm được thị phần ngang bằng với Boeing trên thị trường máy bay phản lực một phần nhờ các khoản vay chính phủ được trợ cấp. EU đã kiện ngược về điều mà họ cho là hỗ trợ R&D (nghiên cứu và phát triển) không công bằng và trợ cấp ưu đãi thuế cho Boeing.

Những người quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, trong một bước đột phá quan trọng có khả năng xảy ra, Mỹ đã hạ thấp sự phản đối nguyên tắc cho vay công trong tương lai đối với Airbus. Nhưng Mỹ vẫn khẳng định các khoản vay này phải dựa trên thị trường một cách rõ ràng và được thông báo trước. Tuy nhiên, các rào cản vẫn còn đối với mức độ Washington có thể chấp thuận hoặc ngăn chặn các dự án của châu Âu. EU kịch liệt phản đối mọi quyền phủ quyết của Mỹ. Điều quan trọng hơn nữa là tiêu chuẩn được sử dụng khi quyết định xem liệu lãi suất của bất kỳ khoản vay nào trong tương lai có phù hợp với thị trường hay không.

Theo hiệp định trợ cấp năm 1992, 1/3 dự án có thể được tài trợ bởi sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ như các khoản vay và hỗ trợ R&D gián tiếp lên tới 4% doanh thu của một công ty. Một lựa chọn là xem xét lại khuôn khổ đó với các quy tắc thị trường thay thế hạn ngạch trợ cấp và giới hạn mới đối với khoản hỗ trợ R&D gián tiếp.

Trung Quốc “nằm trong tầm ngắm”

Vào tháng 12 năm 2020, Đại diện Thương mại Mỹ sắp mãn nhiệm Robert Lighthizer nói với Reuters rằng Mỹ và châu Âu nên hợp tác để chống lại các khoản trợ cấp hàng không vũ trụ mà Trung Quốc sử dụng trong tương lai. Theo 2 nguồn tin, Mỹ đã đề xuất một cuộc xem xét chung về tài trợ hàng không vũ trụ ở các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.

Một động lực cho cuộc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp máy bay Trung Quốc.

Một động lực cho cuộc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp máy bay Trung Quốc.

“Không có gì phải bàn cãi rằng sự trỗi dậy của ngành công nghiệp máy bay Trung Quốc nằm trong tầm ngắm của mọi người”, Phó Chủ tịch Cấp cao Phòng Thương mại Mỹ Marjorie Chorlins cho biết hôm thứ Hai, lưu ý về điều mà bà mô tả là “trợ cấp khổng lồ” của Trung Quốc.

Giống như Mỹ, EU đã tranh cãi với Bắc Kinh về thương mại và an ninh trong năm nay. Nhưng 27 quốc gia thành viên của tổ chức này không thống nhất một quan điểm chung về các chủ đề như hàng không vũ trụ. Ví dụ, vào tháng 4, Hungary đã chặn một tuyên bố của EU chỉ trích luật an ninh Hồng Kông mới của Trung Quốc, làm dấy lên cuộc tranh cãi về quyền phủ quyết chính sách đối ngoại của các quốc gia thành viên.

Brexit cũng làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán.

Anh và Mỹ đã tiến gần đến việc đạt được một thỏa thuận hàng không vũ trụ vào tháng 12 có thể buộc Brussels phải tiến hành các cuộc đàm phán riêng với Washington. Nhưng nó đã sụp đổ trong bối cảnh người Anh lo ngại về việc làm và cuối cùng đã bị bỏ qua do những phiền nhiễu chính trị xung quanh tình trạng bất ổn ở Washington vào tháng 1, một số nguồn tin cho biết. Một quan chức Anh cho biết một thỏa thuận cân bằng đã nằm ngoài tầm với vào thời điểm đó.

Khả năng của Anh trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại độc lập với EU là trọng tâm trong lập trường “nước Anh toàn cầu” mới của nước này. Nhưng tính linh hoạt của Anh đối với Airbus bị hạn chế bởi vai trò là 1 trong 4 quốc gia cốt lõi liên quan đến hãng sản xuất máy bay này, trước khi Anh gia nhập EU. Airbus, với 14.000 nhân viên ở Anh, đã tuyên bố rõ rằng việc làm có thể chuyển ra nước ngoài nếu Anh quay lưng lại với hàng không vũ trụ.