VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Châu Âu vẫn nhập khẩu kỷ lục khí đốt từ Nga

Châu Âu vẫn nhập khẩu kỷ lục khí đốt từ Nga

17:22 - 12/12/2022

Tổng nguồn cung khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục kể từ đầu năm tới nay, theo Viện Kinh tế thế giới (IfW).

Theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới (IfW) ngày 11/12, bất chấp tuyên bố từ chối khí đốt của Nga, Đức và các nước châu Âu khác vẫn tiếp tục tích cực mua LNG của Nga. Lượng LNG mà các nước châu Âu mua của Nga thậm chí còn tăng so với năm 2021.

Theo Phó chủ tịch IfW Stefan Koots, LNG của Nga đến Bỉ, sau đó được vận chuyển đến Đức dù số lượng tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng gần 5 tỷ m3/năm, chiếm từ 5-6% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm ở Đức.

Các nước châu Âu khác vẫn tiếp tục tích cực mua LNG của Nga

Nghiên cứu của IfW cũng chỉ ra, Đức cần tiết kiệm tới 20% khí đốt để có thể tránh được tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông. Trước đó, tin tức cho thấy biến động giá khí đốt cũng như nguồn cung giảm sẽ khiến nền kinh tế Đức thiệt hại 100 tỷ euro (105 tỷ USD) trong năm 2022.

Còn theo tờ Handelsblatt, nhập khẩu LNG của châu Âu từ Nga đã đạt mức cao kỷ lục trong năm qua. So với năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã mua thêm 20% lượng LNG từ Nga.

Số liệu của công ty dữ liệu chuyên về năng lượng ICIS lại cho thấy hiện lượng LNG nhập khẩu từ Nga vào châu Âu chiếm 13%, trong đó các nước mua chính là Pháp, Hà Lan và Bỉ. Theo Handelsblatt, tính từ đầu năm tới tháng 11, lượng LNG mà EU nhập khẩu từ Nga lên tới gần 18 tỷ m3, trong khi lượng khí nhập qua các đường ống là 60 tỷ m3.

Còn dữ liệu của Bloomberg chỉ ra rằng nhu cầu gia tăng từ các quốc gia như Pháp và Bỉ đã giúp Nga trở thành nhà cung cấp LNG số 2 cho tây bắc châu Âu trong năm nay, xếp sau Mỹ nhưng cao hơn Qatar.

Trước đó, vào cuối tháng 11, Cao ủy phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson khẳng định rằng EU đã thay thế hoàn toàn khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng khí LNG và khí đốt từ các nhà cung cấp khác đáng tin cậy. Và dù đã nhiều lần nhóm họp, các bộ trưởng năng lượng của EU cho tới nay vẫn chưa đi đến về mức giá trần áp với khí đốt nhập khẩu.

12 trong số 27 quốc gia thành viên EU gồm Bỉ, Bulgaria, Croatia, Hy Lạp, Italia, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Romania, Slovenia và Slovakia đã có một văn bản yêu cầu mức trần giá thấp hơn nhiều so với dự thảo cuối cùng mà EU đề xuất.

Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, giá trần có hiệu lực nếu giá khí đốt trong ít nhất hai tuần trên Sàn giao dịch Amsterdam vượt quá 275 euro/MWh (khoảng 3.000 USD/1.000 m3). Chênh lệch với giá khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phải hơn mức 58 euro trong ít nhất 10 ngày.

Các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Kpler cảnh báo việc thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG sẽ dẫn đến chi phí gia tăng đối với EU. Không giống như khí đường ống thường được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay và chi phí của nó có xu hướng cao hơn nhiều lần.

Ngày 13/12 tới đây, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng bất thường của các nước thành viên EU sẽ được tổ chức để tiếp tục thảo luận về mức giá trần khí đốt.