VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Chỉ một liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành

Chỉ một liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành

12:13 - 02/08/2023

Liên danh vượt qua vòng kỹ thuật được dẫn đầu bởi một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ và bao gồm 3 công ty của ông Nguyễn Bá Dương. Hai liên danh bị loại lần lượt do Coteccons và một tập đoàn Trung Quốc dẫn đầu.

Liên danh Vietur dẫn đầu bởi một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ và bao gồm 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho gói thầu trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành, chủ đầu tư dự án cho biết.

Ngày 1/8, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông báo đánh giá về khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của 3 liên danh dự thầu gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói 5.10).

3 liên danh dự thầu gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur.

Liên danh Vietur cần vượt qua vòng đánh giá năng lực tài chính để trúng thầu.

Liên danh Vietur cần vượt qua vòng đánh giá năng lực tài chính để trúng thầu.

Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas trực thuộc Tập đoàn IC Holding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Trong liên danh còn có sự tham gia của các nhà thầu trong nước gồm: Ricons, Newtecons, SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, Vinaconex, ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

IC Istas là một trong 3 nhà thầu lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, từng tham gia xây dựng nhiều sân bay lớn trên thế giới như sân bay Pulkovo ở Saint Petersburg, Nga, sân bay Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, sân bay King Khaled ở Riyadh, Ả Rập Xê Út.

Vinaconex là nhà thầu có kinh nghiệm thi công gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài ở Huế. Ngoài ra, Ricons, Newtecons và SOL E&C là những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương – cựu Chủ tịch HĐQT của Coteccons.

Công ty cũ của ông Dương đứng đầu liên danh Hoa Lư, gồm 8 nhà thầu như Hòa Bình, Central An Phong, Delta, Unicons, Thành An và PLE của Thái Lan.

Liên doanh còn lại là CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, do Tập đoàn Xây dựng giao thông China Harbour Enginnering – một trong những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lớn của Trung Quốc – dẫn đầu. Liên doanh này gồm các doanh nghiệp của Trung Quốc và Việt Nam.

Là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu, nhưng Vietur vẫn cần phải đạt yêu cầu về tài chính để trúng thầu. Công tác chấm thầu về mặt tài chính sẽ diễn ra trong tháng 8.

Ngày 20/9/2022, ACV đã phát đi thông báo mời thầu gói thầu 5.10. Đây là gói thầu hỗn hợp, theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế không qua mạng, phương thức 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ. Nội dung chính của gói thầu là thiết kế bản vẽ thi công, xây lắp thiết bị nhà ga hành khách, thời gian thực hiện 33 tháng

Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 24/9 đến ngày 8/11/2022. Tuy nhiên, đến hết thời điểm đóng thầu, không có hồ sơ dự thầu nào đáp ứng yêu cầu. Sau đó, ACV gia hạn thêm 2 lần nữa, cuối cùng chỉ có 1 nhà thầu là liên danh do Coteccons dẫn đầu.

Ngày 16/12/2022, ACV đã tổ chức mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của liên danh trên và quyết định hủy gói thầu do hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự.

Trong lần đầu thầu thứ hai, ACV tăng thời gian thực hiện lên 39 tháng từ 33 tháng, thu hút 3 liên danh gồm Vietur, Hoa Lư và CHEC-BCEG Vietnam Contractors tham gia đấu thầu.

Theo tính toán của nhóm phân tích của Chứng khoán Bản Việt, một nhà thầu tham gia gói 5.10 có thể thu về lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng.