VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn thế giới

Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn thế giới

15:55 - 04/12/2023

Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình chiếm từ 16,8% đến 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình chung 10,6% của các nước trên thế giới

Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với bình quân thế giới, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 2/12.

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết ngành logistics Việt Nam thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Số lượng doanh nghiệp trong ngành logistics ngày càng tăng và các doanh nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô. Đến cuối năm 2021, có gần 35.000 doanh nghiệp được thành lập với tổng số hơn 563.300 lao động. Thu hút FDI vào lĩnh vực logistics tăng mạnh: giai đoạn 2015-2019 có 365 dự án và giai đoạn 2020-2022 có 203 dự án.

Hạ tầng logistics của Việt Nam còn hạn chế, thiếu đồng bộ và kết nối.

Hạ tầng logistics của Việt Nam còn hạn chế, thiếu đồng bộ và kết nối.

Tuy nhiên, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình chiếm từ 16,8% đến 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình chung 10,6% của các nước trên thế giới. Hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ và kết nối, quy hoạch cảng biển còn bất cập, thiếu các cảng lớn, các trung tâm logistics lớn tầm khu vực và quốc tế.

Đường bộ là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm 73% sản lượng hàng hóa vận chuyển trong 9 tháng đầu năm 2023. Tiếp theo là đường thủy nội địa chiếm 21,6%, vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt và đường hàng không chiếm lần lượt 0,2% và 0,01%. Tỷ lệ vận tải đường biển và đường sắt thấp khiến chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ông Anh yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu để có đề tài đánh giá sâu thực trạng, điều kiện, định hướng phát triển hoạt động logistics hiệu quả, bền vững trong bối cảnh tình hình mới. Qua đó, hy vọng ngành logistics nói chung và logistics cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của chuỗi giá trị nông nghiệp trong khu vực.