VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 10/2020

Chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 10/2020

19:45 - 23/04/2022

Chứng khoán Mỹ tiếp đà lao dốc trong những tuần gần đây, với các chỉ số đều mất điểm tuần thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại lạm phát ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và khả năng Fed tăng nhanh lãi suất.

Lo lắng về lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng chậm và kế hoạch tăng lãi suất nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones có ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2020.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu tiếp tục khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm trong tuần. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 1% trong tuần thứ 3 liên tiếp, trong khi Chỉ số tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ cũng mất ít nhất 2% trong tuần thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu chính phủ – tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu – tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Trong tuần này, giới đầu tư phân tích kết quả tài chính quý đầu tiên của một loạt các công ty để tìm kiếm manh mối về sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng của người tiêu dùng và khả năng đối phó với lạm phát của doanh nghiệp. Theo FactSet, trong số các công ty đã báo cáo kết quả cho đến nay, khoảng 80% vượt kỳ vọng của giới phân tích, nhưng một số ngành như y tế và bán lẻ vừa công bố kết quả không tốt.

“Thông thường, khi nền kinh tế đang chậm lại hoặc có nhận định rằng nó sẽ chậm lại, có những lĩnh vực để ẩn náu. Những lĩnh vực truyền thống đó hiện không an toàn như trước đây xét về lợi nhuận vì vẫn chịu tác động tiêu cực từ lạm phát”, theo Tavis McCourt, chiến lược gia tại Raymond James.

Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức giảm theo phần trăm tệ nhất trong một ngày kể từ tháng 10/2020, mất 981,36 điểm, tương đương 2,8%, đóng cửa ở mức 33.811,40. Chỉ số S&P 500 giảm 121,88 điểm, tương đương 2,8%, xuống 4.271,78; trong khi Nasdaq Composite giảm 335,36 điểm, tương đương 2,5%, kết thúc ở mức 12.839,29.

Giới đầu tư phố Wall lo ngại về tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Giới đầu tư phố Wall lo ngại về tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Lo ngại về lạm phát và tốc độ thắt chặt tiền tệ của Fed vẫn là tâm điểm của giới đầu tư trong tuần này. Hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra cho giới đầu tư tín hiệu rõ ràng rằng ngân hàng trung ương này đã sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn và chỉ ra rằng họ có khả năng tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 5.

Việc tăng lãi suất vào tháng tới, sau mức tăng 0,25 điểm phần trăm của Fed hồi tháng 3, sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2006 cơ quan này tăng lãi suất chính sách tại 2 cuộc họp liên tiếp.

Bình luận của ông Powell đóng góp thêm một yếu tố biến động nữa vào thị trường chứng khoán vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát tăng vọt và phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc trong năm nay.

“Thị trường cuối cùng cũng chấp nhận rằng Fed thực sự sẽ làm điều họ nói và không lùi bước”, theo Tim Courtney, giám đốc đầu tư của Exencial Wealth Advisors. “Có một câu nói khá hay rằng: Bạn không chống lại Fed khi Fed đang chống lại lạm phát”.

Nhiều nhà giao dịch hiện đang lo lắng rằng chu kỳ thắt chặt của Fed có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuần tới, giới đầu tư sẽ phân tích các số liệu mới từ Đại học Michigan về tâm lý người tiêu dùng tháng 4.

“Tôi nghĩ những gì bạn đang thấy là người tiêu dùng trở nên do dự hơn nhiều”, theo Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại Hargreaves Lansdown. “Đó là sự cân bằng khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đang phải thực hiện. Họ cần phải làm nguội lạm phát đang nóng nhưng họ không muốn đóng băng nền kinh tế”.

Tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 toàn lục địa đóng cửa giảm 1,8%, bị các công ty công nghệ kéo xuống. Chỉ số DAX của Đức giảm 2,5%, trong khi FTSE 100 của London giảm 1,4%. Ở châu Á, Hang Seng của Hong Kong mất 0,2% và Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,6%. Shanghai Composite đi ngược xu hướng, tăng 0,2%.