VNReport»Kinh tế»Tài chính»Dow Jones giảm mạnh nhất từ đầu năm

Dow Jones giảm mạnh nhất từ đầu năm

09:33 - 18/02/2022

Chứng khoán Mỹ và tiền mã hóa đồng loạt giảm mạnh do lo ngại về tình hình Ukraine và triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones giảm hơn 600 điểm vào thứ Năm, mức giảm mạnh nhất trong một ngày của năm 2022. Trong khi đó, Bitcoin và các đồng tiền số khác cũng lao dốc. Nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị liên quan đến Ukraine và triển vọng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Chỉ số Dow giảm 622,24 điểm, tương đương 1,8%, xuống 34.312,03, phiên giảm mạnh nhất tính theo số điểm và tỷ lệ phần trăm kể từ tháng 11/2021. S&P 500 giảm 94,75 điểm, tương đương 2,1% xuống 4.380,26. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về cổ phiếu công nghệ giảm 407,38 điểm, tương đương 2,9%, xuống 13.716,72.

Chỉ số Dow Jones vừa có phiên giảm mạnh nhất trong năm 2022.

Chỉ số Dow Jones vừa có phiên giảm mạnh nhất trong năm 2022.

Chứng khoán Mỹ chịu áp lực trong những phiên gần đây do căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước phương Tây về Ukraine. Nhà Trắng cảnh báo rằng Nga có thể sắp xâm lược Ukraine, và các nỗ lực ngoại giao cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Căng thẳng địa chính trị xảy ra khi các nhà đầu tư đang phải vật lộn với lạm phát cao và chuẩn bị cho động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay. “Yếu tố quan trọng nhất trong năm nay là lạm phát và chính sách tiền tệ”, theo David Spika, giám đốc đầu tư của GuideStone Capital Management. “Vấn đề Ukraine là ngắn hạn”.

Những diễn biến trên tạo ra sự biến động trên các thị trường trong suốt tuần này. Moscow cho biết họ đã rút bớt một số binh sĩ. Điều này giúp các thị trường hồi phục vào đầu tuần. Nhưng hôm thứ Tư, giới chức phương Tây cho biết rằng Nga vẫn đang tăng cường lực lượng quân sự.

“Chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào những việc đang được thực hiện trên thực tế hơn là điều người ta nói”, Paul Jackson, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu phân bổ tài sản tại Invesco cho biết. “Tôi cho rằng việc này sẽ được giải quyết theo phương pháp ngoại giao. Nếu thị trường đi xuống nhiều hơn nữa, thì tôi nghĩ đó là cơ hội để mua”.

Một số nhà đầu tư cho biết họ kỳ vọng lạm phát và chính sách tiền tệ sẽ giữ vị trí trung tâm trong những tháng tới. “Lạm phát cao và đang gia tăng đã trở thành mối bận tâm chính của các nhà đầu tư. Nó đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, triển vọng kinh doanh, chính trị và quan trọng nhất là định hướng của chính sách tiền tệ”, nhóm chiến lược của JPMorgan Chase viết trong một lưu ý cho khách hàng.

Cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đặc biệt nhạy cảm với triển vọng tăng lãi suất. Meta – công ty mẹ của Facebook – rớt khỏi top 10 công ty giá trị nhất thế giới sau khi giảm mạnh hôm thứ Năm. Cổ phiếu này đã giảm 46% so với mức đỉnh tháng 9.

Thời gian gần đây, diễn biến giá Bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung ngày càng có tương quan chặt chẽ với chứng khoán Mỹ, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ.

Giá Bitcoin lao dốc mạnh xuống vùng 41.000 USD hôm thứ Năm (giờ Mỹ) – mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2. Trong 7 ngày qua, đồng tiền số lớn nhất thế giới bốc hơi 8,83%, với vốn hóa giảm 778 tỷ USD. Các đồng altcoin như Ethereum, Avalance, XRP, Terra … cũng giảm mạnh. Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất, Solana và Cardano đã giảm trên 10% trong 7 ngày qua.

Theo Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản số tại VanEck Asssociates, diễn biến giá cổ phiếu, dầu thô hay trái phiếu đều có thể gây tác động mạnh đến tiền mã hóa. Nhưng nhìn chung, ông cho rằng Bitcoin đang rơi vào xu hướng giảm dài hạn.