VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Chiến sự Nga – Ukraine tác động lớn đến nguồn cung lương thực toàn cầu

Chiến sự Nga – Ukraine tác động lớn đến nguồn cung lương thực toàn cầu

11:29 - 14/03/2022

Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu hàng đầu những loại lương thực như lúa mì và ngô. Nga cũng là nhà cung cấp phân bón quan trọng.

Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ cảm thấy “tác động to lớn” của cuộc chiến Nga – Ukraine thông qua giá lương thực và sự gián đoạn đáng kể đối với chuỗi cung ứng nông nghiệp, theo các chuyên gia trong ngày.

John Rich, chủ tịch điều hành của MHP, nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu Ukraine, cho biết ông lo lắng về vụ mùa xuân tới, quan trọng không chỉ đối với nguồn cung nội địa ở Ukraine mà còn với lượng lớn ngũ cốc và dầu thực vật mà nước này xuất khẩu trên toàn cầu.

“Cuộc xung đột này có tác động to lớn đến khả năng cung cấp cho thế giới của Ukraine và Nga”, ông cho biết.

Sự thành công của vụ gieo trồng tới được quyết định bởi “hành động quân sự trong 1 hoặc 2 tuần tới”, ông nói thêm. Vụ mùa sẽ gặp nguy hiểm nếu quân đội Nga tiến vào phía tây của Ukraine.

Ukraine chiếm gần 1/10 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Ukraine chiếm gần 1/10 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Cùng với Nga, Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc và dầu hướng dương hàng đầu cho thị trường thế giới, chiếm gần 1/10 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, khoảng 13% ngô và hơn một nửa thị trường dầu hướng dương, theo kho dữ liệu Comtrade của Liên Hợp Quốc. Giá các mặt hàng tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga, có thời điểm lúa mì đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Rich cảnh báo về “vòng xoáy lạm phát” trong giá lúa mì, ngô và những mặt hàng khác. Các sản phẩm này đã tăng trước cuộc chiến vì hạn hán và nhu cầu cao khi các nền kinh tế trỗi dậy khỏi đại dịch. “Đó là một sự kết hợp khá độc hại”, ông nói.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng có tới 30% diện tích ở Ukraine sẽ không được trồng hoặc không được thu hoạch trong năm nay vì xung đột. Khả năng xuất khẩu của Nga vẫn chưa rõ ràng do các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng việc mất thị trường xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến nông dân nước này và dẫn đến sản lượng sụt giảm, FAO cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu.

Trong cuộc họp cùng ngày, các bộ trưởng G7 kêu gọi các nước tránh cấm xuất khẩu và giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm của họ mở rộng.

EU mua một nửa lượng ngô của mình từ Ukraine và 1/3 lượng phân bón từ Nga. Belarus, đồng minh của Nga, là một nhà cung cấp phân bón quan trọng khác. Giá phân bón tăng mạnh cùng với giá khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính để sản xuất phân đạm. Điều này cũng đe dọa nguồn cung lương thực.

“Từ quan điểm của EU, cuộc khủng hoảng này đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta có 2 lĩnh vực đặc biệt dễ bị tổn thương … đạm thực vật và phân bón”, Luis Planas, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Chuỗi cung ứng từ Ukraine và Nga bị “phá vỡ” vì các cảng Biển Đen gần như đóng cửa.

Planas cho biết Tây Ban Nha không gặp vấn đề về nguồn cung cấp lương thực nhưng có “một vấn đề nghiêm trọng với thức ăn chăn nuôi”, với khoảng 22% ngô cho gia súc ở Tây Ban Nha đến từ Ukraine. Ông kêu gọi EU nới lỏng các hạn chế về dư lượng thuốc trừ sâu và thực vật biến đổi gen để cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ Argentina và Mỹ.

Tây Ban Nha “rất lo lắng về giá cả và nguồn cung cấp lương thực tại các khu vực xung quanh chúng ta ở [khu vực] Địa Trung Hải”, bao gồm Ai Cập, Tunisia và Maroc, ông nói. “Tất cả chúng ta đều nhớ về năm 2011 và Mùa xuân Ả Rập” mà nguyên nhân một phần là do giá lương thực tăng cao, ông nói thêm.