VNReport»Kinh tế»Chính phủ đặt mục tiêu giảm gần một nửa sản lượng xuất khẩu gạo đến năm 2030

Chính phủ đặt mục tiêu giảm gần một nửa sản lượng xuất khẩu gạo đến năm 2030

06:09 - 28/05/2023

Theo chiến lược vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo năm 2030 sẽ giảm lần lượt 44% và 24% so với năm 2022, đồng thời nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.

Chính phủ đặt mục tiêu giảm sản lượng xuất khẩu gạo xuống còn 4 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định phê duyệt.

Mục tiêu đó thấp hơn 44% so với sản lượng xuất khẩu gạo 7,1 triệu tấn trong năm ngoái – đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá trị xuất khẩu gạo theo mục tiêu giảm 24% xuống còn 2,62 tỷ USD vào năm 2030, từ mức 3,45 tỷ USD năm 2022, theo quyết định số 583/QĐ-TTg.

Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới trong năm ngoái.

Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới trong năm ngoái.

Điều này nhằm “thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ mới trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu”, theo quyết định.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân Việt Nam, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị và “lấy năng suất, chất lượng là tiêu chí hoạt động”.

Nhận xét về mục tiêu, một thương nhân gạo ở TP HCM nhận xét với Reuters rằng chiến lược có vẻ quá mạnh tay, mặc dù diện tích trồng lúa ở Việt Nam đang thu hẹp do biến đổi khí hậu, và một số nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác và nuôi tôm.

Người này cho biết một số nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển một phần ruộng của mình sang trồng cây ăn trái, trồng xoài, bưởi, mít và sầu riêng, nhưng đại đa số vẫn phụ thuộc vào lúa gạo. Xu hướng chuyển sang nuôi tôm đã diễn ra ở khu vực này trong nhiều năm qua do quá trình xâm nhập mặn.

Quyết định của Chính phủ cho biết Việt Nam sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo để giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Philippines từ lâu đã là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 45% lượng gạo xuất khẩu trong năm ngoái.

Trong tháng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tại một cuộc họp khu vực ở Indonesia rằng Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo cho Philippines lâu dài với giá hợp lý.

Trong khi đó, chính phủ Philippines đặt mục tiêu tự chủ gạo vào năm 2027. Khoảng 80% lượng gạo nhập khẩu của nước này đến từ Việt Nam.

Theo mục tiêu, đến năm 2025, 60% gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang các thị trường châu Á, 22% sang châu Phi, 7% sang châu Mỹ, 4% sang Trung Đông và 3% sang châu Âu. Đến năm 2030, châu Á chiếm 55% và châu Âu 5%.

Chiến lược nêu rõ rằng Việt Nam sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường có nhu cầu cao về chất lượng và các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nước ta. Để cải thiện chất lượng, Chính phủ đặt mục tiêu “chấm dứt hiện tượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định”.

Nước ta sẽ tập trung sản xuất gạo nếp, gạo thơm chất lượng cao, đồng thời giảm sản lượng gạo chất lượng thấp xuống 15% tổng sản lượng vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.

“Tôi nghi ngờ chiến lược này sẽ thành hiện thực, vì sản xuất lúa gạo phụ thuộc vào cung và cầu, không phụ thuộc vào quyết định của chính phủ”, một thương nhân gạo ở tỉnh An Giang cho biết.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 40,7% so với một năm trước lên 2,9 triệu tấn, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan.