VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Chọn 7 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn làm “sếu đầu đàn”

Chọn 7 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn làm “sếu đầu đàn”

08:21 - 11/03/2021

Doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản tỷ USD, thuộc 4 lĩnh vực khác nhau, được đề xuất nghiên cứu thí điểm vai trò dẫn dắt, mở đường.

Doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản tỷ USD, thuộc 4 lĩnh vực khác nhau, được đề xuất nghiên cứu thí điểm vai trò dẫn dắt, mở đường.

Chiều 10/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn. Ngoài tổng tài sản sản trên 20.000 tỷ đồng, tiêu chí chung khác của doanh nghiệp được chọn là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh, ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6, được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. 

5 tiêu chí để xác định ngành, lĩnh vực phù hợp là tính mở đường dẫn dắt, làm chủ công nghệ số, vai trò định hướng công nghiệp, cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.

Có 7 doanh nghiệp được lựa chọn, đầu tiên là ba doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (EVN – tập đoàn điện lực và PVN – tập đoàn dầu khí), một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng là Vietcombank.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện các DNNN chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh…

“Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ”, ông Dũng nói.

Nhắc tới các yếu tố như cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, các FTA mà Việt Nam tham gia, Bộ trưởng Dũng khẳng định đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. “Chúng ta phải làm chủ công nghệ lõi, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và hướng đến thu nhập cao”, ông Dũng nói và nhắc tới việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách để phát triển, ứng dụng các công nghệ mới.

Theo dự thảo đề án này, từ nay đến năm 2030 sẽ không thành lập mới tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu, mà tập trung vào tái cơ cấu, sắp xếp lại. Trước mắt, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 4 công ty mẹ gồm PVN, EVN, SCIC và Viettel.