VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chủ tịch BIDV: 300 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ

Chủ tịch BIDV: 300 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ

16:40 - 26/04/2025

Theo Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú, tình hình kinh doanh của BIDV phần nào sẽ bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ, khi tổng dư nợ của khối khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng đạt xấp xỉ 300 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú (giữa), cùng Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm (thứ hai từ phải sang) chủ trì ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Ảnh: BIDV.

Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú (giữa), cùng Tổng Giám đốc Lê Ngọc Lâm (thứ hai từ phải sang) chủ trì ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Ảnh: BIDV.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 26/4, Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết đến hết quý I, khối ngân hàng thương mại của BIDV đạt kết quả kinh doanh khả quan, bám sát kế hoạch đề ra.

Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của BIDV đạt 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu kỳ. Huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7%. Lợi nhuận quý I đạt khoảng 7.019 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,65%.

Dù ghi nhận kết quả tích cực trong quý đầu năm, theo Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT BIDV – tình hình kinh doanh của ngân hàng sẽ phần nào bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ.

Chính sách thuế quan tác động lên kế hoạch kinh doanh

Ông Tú cho biết tổng dư nợ của khối khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng mà BIDV đã thống kê đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 15% tổng dư nợ của ngân hàng. Các nhóm khách hàng dự kiến bị ảnh hưởng lớn là các doanh nghiệp sản xuất thép, cơ khí, chất dẻo, nhựa, thủy sản, may mặc, phương tiện vận tải và máy tính, bất động sản công nghiệp…

Theo ông Tú, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ tác động đến tất cả các hoạt động, từ tín dụng, huy động vốn, hoạt động dịch vụ… Ví dụ, với tín dụng, chắc chắn nhu cầu tín dụng sẽ bị thu hẹp khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bị đình trệ, họ sẽ phải giảm sản xuất để tìm kiếm thị trường mới, khi nhu cầu sản xuất kinh doanh thu hẹp, chắc chắn nhu cầu tín dụng cũng giảm theo.

Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT BIDV – phát biểu tại đại hội thường niên năm 2025. Ảnh: BIDV.

Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT BIDV – phát biểu tại đại hội thường niên năm 2025. Ảnh: BIDV.

 

“Hoạt động huy động vốn cũng sẽ bị thu hẹp. Ở mảng này, chúng ta còn có hoạt động huy động vốn tiền gửi của các doanh nghiệp FDI, mà các doanh nghiệp FDI thông thường họ gửi bằng ngoại tệ”, ông Tú cho biết.

Chất lượng tài sản của ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo Chủ tịch BIDV, khi thị trường xuất khẩu gián đoạn, các doanh nghiệp phải có thời gian đi tìm thị trường mới, chắc chắn dòng tiền của doanh nghiệp sẽ bị chậm lại. Khi đó, chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại cũng bị suy giảm.

Chất lượng tài sản đi xuống làm cho chi phí trích lập dự phòng tăng lên, dẫn tới việc suy giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, các đối tác truyền thống khi đang gặp khó khăn.

Theo ông Tú, do chưa có kết quả cuối cùng của cuộc đám phán với Mỹ về thuế quan, ngân hàng chưa thể đưa ra một dự báo chính thức. Tuy nhiên, ông tin rằng với kịch bản thận trọng và sự chuẩn bị chu đáo, BIDV vẫn có thể kiểm soát tốt chất lượng tài sản như đã làm trong 4 năm vừa qua – giai đoạn mà lợi nhuận trước thuế đã tăng gấp ba lần từ khoảng 10 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên gần 32 nghìn tỷ đồng năm 2024.

Không tham gia thành lập sàn giao dịch số

Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm phát biểu tại đại hội ngày 26/4. Ảnh: BIDV.

Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm phát biểu tại đại hội ngày 26/4. Ảnh: BIDV.

Một trong những vấn đề mới được cổ đông BIDV quan tâm tại đại hội lần này, là liệu ngân hàng có tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số hay không.

Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Lâm cho biết với vai trò là một ngân hàng thương mại Nhà nước, BIDV sẽ tích cực tham gia với các bộ, ngành để triển khai những chương trình liên quan đến tài sản số, kể cả những việc liên quan đến sàn giao dịch.

“Tuy nhiên, nhiệm vụ lập các sàn giao dịch số sẽ dành cho khối doanh nghiệp tư nhân. BIDV hiện nay không có chủ trương và cũng không có kế hoạch lập công ty để triển khai các sàn giao dịch này”, ông Lâm cho biết.

Theo Tổng giám đốc BIDV, việc lập sàn giao dịch số đòi hỏi số vốn rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật và nhiều vấn đề khác. Ngân hàng hiện chưa có kế hoạch, nhưng sẽ tham gia với vai trò là một ngân hàng thương mại lớn có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường. BIDV sẽ tích cực tham gia đối với các vấn đề liên quan trong việc triển khai các sàn giao dịch này.

Tăng vốn vượt 90 nghìn tỷ đồng

Tại đại hội, cổ đông BIDV đã thông qua 3 phương án tăng vốn điều lệ mạnh mẽ, dự kiến nâng quy mô vốn điều lệ từ mức 70.213,6 tỷ đồng lên 91.869,7 tỷ đồng, tương đương mức tăng 30,8% so với thời điểm cuối quý I.

Sau khi hoàn tất các đợt tăng vốn, BIDV sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, vượt qua hai ngân hàng tư nhân là Techcombank (70.949 tỷ đồng) và VPBank (79.339 tỷ đồng), trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

BIDV dự kiến phát hành 498,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; phát hành 1,39 tỷ cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2023; và chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng 269,8 triệu cổ phiếu.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV, bao gồm hoạt động tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, hoạt động đầu tư…

Thời gian thực hiện các phương án tăng vốn trên là là trong giai đoạn 2025-2026. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phát hành.

Theo:

https://mekongasean.vn/chu-tich-bidv-300000-ty-do-ng-du-no-tin-dung-bi-a-nh-huo-ng-bo-i-thue-quan-my-40885.html