VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chủ sở hữu của Circle-K ra đề nghị mua lại công ty mẹ của 7-Eleven

Chủ sở hữu của Circle-K ra đề nghị mua lại công ty mẹ của 7-Eleven

10:55 - 20/08/2024

Lời đề nghị là ví dụ mới nhất cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng thu hút nhà đầu tư phương Tây sau nỗ lực cải cách quản trị trong những năm qua.

Alimentation Couche-Tard của Canada đã chính thức thăm dò khả năng thâu tóm Seven & i của Nhật Bản, hai công ty cho biết ngày 19/8.

Seven & i – chủ sở hữu 7-Eleven – trở thành công ty lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản là mục tiêu mua lại của một đối tác nước ngoài. Mặc dù giá trị của lời đề nghị chưa được tiết lộ, nhưng đây là ví dụ mới nhất cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng thu hút nhà đầu tư phương Tây sau nỗ lực cải cách quản trị trong những năm qua.

Dù được thành lập tại Mỹ, chuỗi bán lẻ 7-Eleven đã trở thành một thế lực văn hóa dưới công ty mẹ Nhật Bản. Khác với các cửa hàng tiện lợi thường đặt ở trạm xăng tại Mỹ, các “konbini” của Nhật Bản giống như siêu thị cỡ nhỏ, bán đa dạng mặt hàng từ thực phẩm tươi sống đến quần áo.

Tin tức về thương vụ này khiến cổ phiếu của Seven & i tăng vọt gần 23% tại Tokyo, định giá công ty ở khoảng 5,6 nghìn tỷ yên (38 tỷ USD). Couche-Tard – công ty điều hành các cửa hàng tiện lợi Circle-K – có vốn hóa khoảng 58 tỷ USD.

Seven & i sử dụng khoảng 77.000 nhân viên trên toàn thế giới và phần lớn doanh thu của công ty đến từ kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở nước ngoài. Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon.

Seven & i sử dụng khoảng 77.000 nhân viên trên toàn thế giới và phần lớn doanh thu của công ty đến từ kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở nước ngoài. Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon.

Seven & i cho biết Couche-Tard đã đề xuất mua tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Couche-Tard xác nhận đã gửi “đề xuất thân thiện” cho Seven & i, đồng thời cho biết công ty tập trung để đạt đến một thỏa thuận mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được.

Theo dữ liệu của LSEG, Seven & i sử dụng khoảng 77.000 nhân viên trên toàn thế giới và phần lớn doanh thu của công ty đến từ kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ, với Bắc Mỹ đóng góp 3/4 doanh thu.

Ông lớn Nhật Bản đã thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét đề nghị này, công ty cho biết trong một tuyên bố, bổ sung rằng ủy ban hay HĐQT của công ty vẫn chưa đưa ra quyết định nào. Tờ Nikkei của Nhật Bản là bên đầu tiên đưa tin về đề nghị này.

Một nguồn tin cho biết với Reuters rằng cuộc đàm phán “đang ở giai đoạn rất sơ bộ”.

Một thỏa thuận mua lại toàn bộ công ty sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với một công ty Nhật Bản bởi một công ty nước ngoài, theo dữ liệu của LSEG, vượt qua thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD năm 2018 đối với mảng kinh doanh chip nhớ của Toshiba do liên doanh dẫn đầu bởi Bain Capital.

Nhà điều hành 7-Eleven đang thúc đẩy chuỗi cửa hàng tiện lợi đặc trưng của mình trên toàn cầu, một phần của quá trình tái cấu trúc sâu rộng cũng bao gồm việc bán một số tài sản có hiệu quả thấp hơn sau áp lực từ cổ đông ValueAct Capital.

Kể từ năm ngoái, công ty đã tuyên bố đóng cửa hàng chục siêu thị Ito-Yokado, thoát mảng kinh doanh hàng may mặc và hoàn tất bán đơn vị cửa hàng bách hóa Sogo & Seibu.

Tuy nhiên, Couche-Tard không được cho là sẽ dễ dàng đạt thỏa thuận. “Tôi rất nghi ngờ khả năng đề xuất tiếp quản này sẽ thành hiện thực, đặc biệt là khi xem xét việc Seven & i phản đối việc thoái vốn ngay cả các doanh nghiệp lâu đời của họ”, theo Oshadhi Kumarasiri, một nhà phân tích của LightStream Research. “Trừ khi đề nghị đi kèm với mức giá hơn đáng kể so với mức cao gần đây của Seven & i, nhiều khả năng ban giám đốc sẽ không cân nhắc ý tưởng này”.

Sức hấp dẫn mới của Nhật Bản

Đối với các nhà đầu tư, lời đề nghị này – dù có thành công hay không – vẫn thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của các tài sản Nhật Bản vốn đã bị xa lánh từ lâu.

Những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp giúp Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản thu hút giới đầu tư toàn cầu. theo Duncan Clark, chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư BDA,

Năm ngoái, Nhật Bản có một trong những thị trường cổ phiếu tăng mạnh nhất thế giới và năm nay, chỉ số Nikkei đã đạt một loạt mức cao kỷ lục khi giới đầu tư hoan nghênh cải cách quản trị.

“Đây là một ví dụ khác về sức hấp dẫn của thị trường Nhật Bản đối với người mua nước ngoài”, theo Manoj Jain, đồng sáng lập kiêm đồng giám đốc thông tin của Maso Capital có trụ sở tại Hong Kong. “Cùng với sự quan tâm của vốn cổ phần tư nhân, chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi giá trị tài sản cơ bản, khả năng tăng hiệu quả [kinh doanh] và chi phí vốn”.

Thành lập năm 1980, Couche-Tard đã phát triển từ một cửa hàng duy nhất ở Quebec thành một mạng lưới toàn cầu gồm các cửa hàng tiện lợi và trạm xăng chủ yếu thông qua những thương vụ mua lại.

Đề nghị mua lại Seven & i được đưa ra sau khi Couche-Tard mua lại một số trạm xăng ở châu Âu của TotalEnergies với giá 3,3 tỷ USD. Năm 2021, công ty từng bị chính phủ Pháp chặn đề nghị mua lại nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất châu Âu Carrefour với giá 20 tỷ USD, lấy lý do lo ngại về an ninh lương thực.

Năm 2020, Seven & i và Couche-Tard từng là đối thủ cạnh tranh để tiếp quản chuỗi trạm xăng Speedway của Mỹ. Người chiến thắng là công ty Nhật Bản với giá 21 tỷ USD.

Theo: https://www.reuters.com/markets/deals/japans-seven-i-receives-takeover-offer-canadas-couche-tard-nikkei-says-2024-08-19/