VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 13/5: Giảm thêm 56 điểm, VN-Index mất mốc 1.200

Chứng khoán 13/5: Giảm thêm 56 điểm, VN-Index mất mốc 1.200

15:49 - 13/05/2022

Với gần một nửa số cổ phiếu ở HoSE giảm sàn, VN-Index mất hơn 50 điểm lần thứ 3 trong tuần này.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, sau khi VN-Index mất thêm 56 điểm trong một phiên nữa chứng kiến hàng trăm cổ phiếu giảm sàn.

Cũng giống như phiên hôm qua, thị trường giảm một mạch từ khi mở cửa đến khi đóng cửa, với VN-Index chốt phiên ở vùng đáy trong ngày là 1.182,77 điểm, mất 56,07 điểm, tương đương 4,53% – thấp nhất kể từ ngày 29/3/2021.

VN-Index giảm mạnh nhất trong 1 tuần kể từ tháng 3/2020. Nguồn: TradingView.

VN-Index giảm mạnh nhất trong 1 tuần kể từ tháng 3/2020. Nguồn: TradingView.

Đây là phiên thứ 3 trong tuần này chỉ số chủ chốt của chứng khoán Việt Nam mất hơn 50 điểm. Tổng cộng cả tuần, VN-Index mất đến 145,49 điểm – mức cao nhất trong lịch sử. Xét về tỷ lệ phần trăm (11,02%), đây là tuần tệ nhất của chỉ số kể từ 9-13/3/2020 – thời điểm đầu đại dịch Covid-19. Tuần vừa qua cũng là tuần thứ 6 liên tiếp VN-Index giảm điểm – một trong những chuỗi dài nhất trong lịch sử chỉ số.

HNX-Index cũng giảm mạnh 4,16% xuống 302,39 điểm. Chỉ số này có thể sẽ rơi xuống dưới 300 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021 trong tuần sau. UPCoM-Index cũng giảm 2,93% xuống 93,61 điểm – thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Cổ phiếu giảm sàn la liệt trên khắp các thị trường, đạt tổng cộng 341 mã. Tính riêng ở HoSE, 198 mã giảm sàn trong số 418 mã giao dịch, trong khi chỉ có 29 mã tăng giá.

Sắc đỏ và xanh lơ không bỏ qua một nhóm cổ phiếu nào. Xét theo ngành, tất cả các nhóm đều giảm, với những nhóm ngành giảm mạnh nhất gồm xây dựng, chứng khoán và ngân hàng. Xét theo vốn hóa, 28 mã trong nhóm VN30 lao dốc, với 7 mã giảm sàn. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng giảm trung bình trên 5%.

Tia sáng le lói trong phiên hôm nay đến từ thanh khoản. Giá trị giao dịch ở HoSE lần đầu tiên đạt trên 20 nghìn tỷ đồng kể từ 26/4. Nếu xu hướng này tiếp tục trong những phiên tới, đây có thể là một dấu hiệu tích cực về khả năng tạo đáy của thị trường.

Khối ngoại mua ròng khá cao giống như thường thấy trong khoảng 1 tháng trở lại đây, với giá trị 567,7 tỷ đồng ở HoSE. Đáng chú ý, chứng chỉ quỹ FUEVFND (+587,9 tỷ đồng) được mua ròng rất mạnh. Ở chiều ngược lại, lực bán ròng tập trung vào HPG (-219,4 tỷ đồng).

Hôm qua, trước tình trạng khủng hoảng của thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư, cam kết có những giải pháp nhằm ổn định thị trường trong ngắn hạn, nhưng không tiết lộ cụ thể về những giải pháp này.