VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 28/9: Giảm 23 điểm, VN-Index xuống thấp nhất 19 tháng

Chứng khoán 28/9: Giảm 23 điểm, VN-Index xuống thấp nhất 19 tháng

16:10 - 28/09/2022

Chỉ số rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 2/2021 sau khi giảm điểm trong phiên thứ 4 liên tiếp.

VN-Index chính thức tạo đáy mới trong “thị trường gấu” năm nay, sau khi giảm thêm gần 23 điểm trong bối cảnh sắc đỏ tràn ngập toàn sàn.

Chỉ số mất 9 điểm ngay từ phiên ATO. Sau đó, ngoại trừ một nỗ lực bắt đáy bất thành vào đầu phiên chiều, VN-Index liên tục giảm, tăng tốc độ lao dốc về cuối phiên và đóng cửa chỉ còn 1.143,62 điểm – mất 22,92 điểm hay 1,96% so với hôm qua.

Như vậy, chỉ số chủ chốt của chứng khoán Việt Nam đã phá mức đáy trước đó của năm nay là 1.149,61 ghi nhận vào đầu tháng 7. Đây cũng là mức điểm đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 2/2021, khi thị trường mới bắt đầu hồi phục sau đợt bán tháo đầu năm ngoái vì Covid-19.

So với mức đỉnh trong đợt hồi phục tháng 7-8 vừa qua, VN-Index đã mất 10,81%. Nếu so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào tháng 1, chỉ số này đã mất 24,79%.

VN-Index giảm gần 1/4 so với mức đỉnh hồi đầu năm. Nguồn: TradingView.

VN-Index giảm gần 1/4 so với mức đỉnh hồi đầu năm. Nguồn: TradingView.

HNX-Index cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi giảm 1,24% xuống còn 252,35 điểm. Chỉ số này đã mất gần một nửa giá trị so với mức đỉnh đầu năm. UPCoM-Index cũng giảm 1,00% xuống 85,84 điểm – chỉ cao hơn một chút so với mức đáy trong 14 tháng gần đây.

Sắc đỏ tràn ngập toàn bộ thị trường, với 264 mã giảm ở HoSE so với chỉ 73 mã tăng. Trong đó, một số mã vốn hóa top đầu thị trường giảm rất mạnh, gồm GAS (-6,7%), VIC (-5,7%), VHM (-5,4%) và MSN (-5,2%), gây áp lực đặc biệt lớn lên chỉ số, đóng góp tổng cộng tới 11,76 điểm vào mức giảm chung của VN-Index.

Hầu như tất cả các nhóm ngành đều có diễn biến tiêu cực, từ cao su, dầu khí, bảo hiểm, xây dựng đến bất động sản … Nhóm ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ, mặc dù mức giảm không quá sâu so với nhiều nhóm ngành khác, thậm chí VCB (+0,9%) và VPB (+1,4%) còn tăng nhẹ. Điều này giúp hạn chế phần nào mức giảm chung của VN-Index.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu của các công ty chứng khoán hàng đầu lại ngược dòng tăng như SSI (+1,0%), VND (+1,7%), HCM (+1,2%), SHS (+1,0%) …

Mặc dù VN-Index giảm sâu, thanh khoản không tăng đột biến, chỉ ở mức 11,8 nghìn tỷ đồng tại HoSE và tổng cộng 13,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Điều này cho thấy lực mua đang thấp tới mức ngay cả khi lực bán không quá cao, các cổ phiếu vẫn giảm sâu.

Khối ngoại bán ròng không đáng kể, chỉ ở mức 4,8 tỷ đồng tại HoSE, mặc dù họ cũng bán ròng với giá trị tương đối lớn ở HNX và UPCoM. VNM (-39,1 tỷ đồng) bị bán ròng nhiều nhất, DGC (+34,4 tỷ đồng) được mua ròng nhiều nhất.