VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 7/10: Giảm sàn la liệt

Chứng khoán 7/10: Giảm sàn la liệt

16:05 - 07/10/2022

Gần 1/3 số mã giao dịch ở HoSE giảm sàn khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá.

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu với tâm lý hoảng loạn trong phiên hôm nay, kết thúc một trong những tuần tệ nhất đối với chứng khoán trong gần 2 năm qua. Tuy nhiên, thanh khoản tăng vọt có thể là dấu hiệu của một phiên rũ bỏ, đem lại hy vọng rằng thị trường đã tạo đáy ngắn hạn.

Ngay từ trước khi mở cửa, những người cầm cổ phiếu đã tích cực đặt lệnh bán, khiến VN-Index giảm gần 14 điểm trong phiên ATO. Lực bán tháo không ngừng nghỉ, kéo chỉ số giảm sâu nhất trong phiên đến 52 điểm. Khi đóng cửa, VN-Index mất 38,61 điểm, tương đương 3,59%, xuống còn 1.035,91 điểm.

Một phiên giao dịch tồi tệ nữa kết thúc tuần thảm họa của chứng khoán Việt Nam, với VN-Index ghi nhận 3 phiên giảm hơn 29 điểm, mất tổng cộng 96,20 điểm so với thời điểm đóng cửa của tuần trước, tương đương 8,50%. Như vậy, đây là tuần giảm điểm sâu thứ hai của chỉ số kể từ tháng 2/2021, chỉ sau tuần từ 9-13/5/2022.

Sau khi tăng 7 tuần liên tiếp trong tháng 7-8, VN-Index đã ghi nhận 6 tuần giảm điểm liên tiếp, với tốc độ giảm ngày càng nhanh, đặc biệt là trong 2 tuần gần đây. Đợt giảm này đẩy chỉ số rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/2/2021.

128 cổ phiếu ở HoSE giảm sàn hôm nay. Nguồn: Vietstock.

128 cổ phiếu ở HoSE giảm sàn hôm nay. Nguồn: Vietstock.

Cổ phiếu giảm sàn la liệt, với 128 mã ở HoSE đóng cửa trong sắc xanh lơ, trong số tổng cộng 251 mã trên cả 3 sàn. Số mã giảm kịch biên độ ở HoSE bằng gần 1/3 tổng số mã có giao dịch hôm nay tại đây – và nhiều mã trong số này ghi nhận thanh khoản rất cao.

Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành giảm sâu nhất hôm nay, trái với những phiên trước khi mức giảm của nhóm này vừa phải so với phần còn lại của thị trường và giúp hạn chế phần nào mức giảm chung của VN-Index. Có đến 7 mã ngân hàng giảm sàn gồm CTG (-6,8%), TCB (-7,0%), VPB (-7,0%) … Các mã có quy mô vốn hóa khổng lồ khác cũng giảm mạnh như VCB (-4,9%), BID (-5,8%) hay MBB (-6,4%).

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng bị bán tháo mạnh, với quá nửa số mã giao dịch ở HoSE và HNX giảm kịch biên độ, bao gồm VND (-6,9%), HCM (-7,0%), FTS (-7,0%), VIX (-6,9%) …

Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm từ sâu đến rất sâu, nhưng có một số ngoại lệ. Ví dụ, bộ đôi Vingroup gồm VHM (+0,4%) và VIC (+0,2%) tăng nhẹ. Một thông tin gần đây liên quan đến Vingroup là việc ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch tập đoàn – thành lập một công ty bất động sản và góp vốn bằng số lượng đáng kể cổ phiếu Vinhomes.

Ngoài ra, một số cổ phiếu dầu khí như PVD (+2,0%) hay PVS (+2,7%), PTT (+14,3%) đi ngược thị trường trong bối cảnh giá dầu thế giới phục hồi mạnh trong tuần này. Nhưng một số mã dầu khí khác cũng giảm sâu theo thị trường như BSR (-4,5%), OIL (-5,7%) hay GAS (-4,6%).

Mặc dù tình hình đang rất xấu, dấu hiệu có thể mang lại một chút hy vọng cho nhà đầu tư là thanh khoản. Giá trị giao dịch hôm nay ở HoSE đạt 17,0 nghìn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với phiên hôm qua. Điều này cho thấy đây có thể là một phiên rũ bỏ, giúp thị trường tạo đáy ít nhất là trong ngắn hạn.

Trái với những phiên giảm trước, khối ngoại tích cực tham gia bắt đáy – mua ròng hơn 251,4 tỷ đồng ở HoSE, với tổng giá trị mua bán cao nhất trong 3 tuần. VIC (+64,6 tỷ đồng) được mua ròng nhiều nhất và STB (-109,4 tỷ đồng) bị bán ròng mạnh nhất.

Tương tự như VN-Index, HNX-Index cũng giảm mạnh 3,84% xuống còn 226,09 điểm và UPCoM-Index đóng cửa ở 79,98 điểm sau khi mất 2,95% – lần đầu tiên rơi xuống dưới 80 điểm trong hơn 16 tháng.