VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán bị bán tháo, VN-Index giảm 28 điểm

Chứng khoán bị bán tháo, VN-Index giảm 28 điểm

16:26 - 24/06/2024

Nhiều cổ phiếu bị bán tháo mạnh trong phiên có thanh khoản cao nhất trong gần một tháng.

VN-Index giảm 27,9 điểm (tương đương 2,18%) trong phiên ngày 24/6, đóng cửa ở 1.254,12 điểm với 378 mã giảm và 74 mã tăng ở sàn HoSE.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 4,63 điểm xuống còn 239,74 điểm, trong khi UPCoM-Index cũng giảm 1,53 điểm xuống 99,06 điểm.

Tổng thanh khoản trên ba sàn đạt 36.807 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE đạt 31.815 tỷ đồng – mức cao nhất từ sau ngày 27/5.

Sắc đỏ bao trùm HoSE trong phiên giao dịch ngày 24/6.

Sắc đỏ bao trùm HoSE trong phiên giao dịch ngày 24/6.

VN-Index giảm mạnh do áp lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán ra. Chỉ số VN30-Index giảm 30,08 điểm (tương đương 2,28%) xuống 1.289,85 điểm. 28/30 cổ phiếu thuộc nhóm VN30 kết phiên trong sắc đỏ, bao gồm GVR (-4,5%), PLX (-3,7%), HDB (-3,5%)…

Các cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là những cổ phiếu nóng gần đây, cũng ghi nhận giảm điểm sâu. Ví dụ, chỉ số VNSmallcap giảm 0,82%, Midcap giảm 2,3%.

Các cổ phiếu có thanh khoản lớn như DGC giảm 5,5% với khối lượng giao dịch đạt 1.126 tỷ đồng; HSG giảm 4,8% với 670 tỷ đồng; VCI giảm 5,6% với 513 tỷ đồng; VIX giảm 4,6% với 561 tỷ đồng; VTP giảm 6,9% với 390 tỷ đồng…

Trên thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán như VDS, BSI, TVS, CTS giảm sàn, HCM giảm 5,8%…

Các ngành như thép, hóa chất, công nghệ thông tin sau giai đoạn tăng nóng cũng không tránh khỏi tình trạng giảm điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trong phiên này với tổng giá trị bán ròng đạt 989 tỷ đồng, trong đó FPT là mã bị bán ròng nhiều nhất với 609 tỷ đồng, tiếp theo là NLG với 77 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 6, FPT đã bị bán ròng gần 3.850 tỷ đồng dù tăng giá mạnh.

Cuối tuần trước, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ. Theo đó, Việt Nam vẫn chưa có trong danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Tuy vậy, MSCI nhận thấy rằng thị trường Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ nhất định. Đặc biệt là Việt Nam đã cải thiện trong tiêu chí khả năng chuyển nhượng (Transferability) nhờ vào việc tăng các giao dịch ngoài sàn và chuyển dịch hiện vật sau những thay đổi về quy định.

Hơn nữa, Việt Nam đang nghiên cứu các kế hoạch để phát triển thị trường, nhằm giải quyết các vấn đề như hạn chế sở hữu nước ngoài, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và sự thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh. MSCI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện các cải cách này.