VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ bán tháo trở lại, chỉ số Dow Jones xuống dưới 30.000 điểm

Chứng khoán Mỹ bán tháo trở lại, chỉ số Dow Jones xuống dưới 30.000 điểm

11:00 - 17/06/2022

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 do lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào thứ Năm, đưa Chỉ số Công nghiệp Dow Jones xuống dưới 30.000 lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021 khi nhà đầu tư quay trở lại bán tháo sau một phiên hồi phục.

Các chỉ số chính đều ghi nhận sự sụt giảm lớn trong năm 2022 do lạm phát cao, lãi suất tăng và lo ngại ngày càng lớn về lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Chỉ số Dow giảm 18% trong năm nay, trong khi S&P 500 giảm 23% và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thiên về công nghệ giảm 32%.

Chứng khoán tăng điểm hôm thứ Tư sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell báo hiệu rằng cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng mức tăng 0,75 điểm phần trăm nhiều khả năng không phổ biến. Vào ngày thứ Năm, sự lạc quan đó tan biến và cổ phiếu quay đầu giảm khi các nhà đầu tư đánh giá lại những rủi ro phía trước.

Michael Sheldon – thuộc công ty tư vấn đầu tư RDM Financial Group – cho biết: “Triển vọng về tăng trưởng, lợi nhuận và lạm phát, ít nhất là trong vài tháng tới, không phải là thuận lợi cho lắm”.

Sau một phiên hồi phục nhẹ, nhà đầu tư quay trở lại bán tháo cổ phiếu.

Sau một phiên hồi phục nhẹ, nhà đầu tư quay trở lại bán tháo cổ phiếu.

S&P 500 giảm 123,22 điểm, tương đương 3,3% xuống 3.666,77. Chỉ số Công nghiệp Dow giảm 741,46 điểm, tương đương 2,4%, xuống 29.927,07. Cả 2 chỉ số đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq Composite bao gồm nhiều cổ phiếu công nghệ lớn giảm 453,06 điểm, tương đương 4,1%, xuống 10.646,10, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994 nhưng phù hợp với kỳ vọng của các nhà đầu tư khi cơ quan này chạy đua để kiềm chế lạm phát cao. Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 5 đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Ông Powell nói rằng mặc dù ngân hàng trung ương này không cố gắng gây ra suy thoái, nhưng việc đạt được “hạ cánh mềm” – kiềm chế lạm phát mà không rơi vào suy thoái – ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một số nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư đang nhận ra rủi ro ngày càng tăng đối với tăng trưởng kinh tế. “Tôi nghĩ rằng mọi người đang nhận ra rằng chúng ta thực sự có thể đang tiến tới một cuộc suy thoái. Tôi không chắc rằng điều đó thực sự được thị trường chú ý cho đến bây giờ”, Altaf Kassam của State Street Global Advisors cho biết.

Trong khi ông Powell gợi ý hôm thứ Tư rằng mức tăng lãi suất “lớn bất thường” sẽ không trở nên phổ biến, nhưng ông vẫn để ngỏ khả năng tăng 0,75 điểm phần trăm một lần nữa ngay trong tháng tới. Aoifinn Devitt – Giám đốc đầu tư tại Moneta – cho biết việc tăng lãi suất với quy mô như vậy có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng nếu họ cảm thấy Fed đang chạy đua quá nhanh để đi trước lạm phát. “Điều đó có thể dẫn đến sự lo lắng hơn nữa trên thị trường”, bà nói.

Hôm qua, ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi tăng lãi suất lần đầu tiên sau 15 năm. Như vậy, chỉ còn Nhật Bản là nền kinh tế phát triển lớn duy nhất chưa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc các ngân hàng trung ương thường được coi là ôn hòa cũng tăng lãi suất cho thấy vấn đề lạm phát đã lan rộng trên nền kinh tế toàn cầu, theo Seema Shah – chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors.

Hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản như dự kiến ​​từ 1% lên 1,25%, đánh dấu lần tăng thứ 5 liên tiếp ở mức như vậy. Họ cũng cho biết có thể cần những mức tăng lớn hơn để kiềm chế lạm phát.

Bitcoin giảm ngày thứ 10 liên tiếp, mất 4,6% và giao dịch ở mức khoảng 20.700 USD. Tiền mã hóa bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì nhà đầu tư cố gắng tránh rủi ro và lo ngại về một số dự án và công ty trong ngành, như công ty cho vay tiền mã hóa Celsius – gần đây dừng cho phép khách hàng rút tiền mặt từ tài khoản của mình.

Trên thị trường hàng hóa, dầu thô Brent – chuẩn quốc tế – tăng 1,1% lên 119,81 USD/thùng. Giá vàng tăng 1,7%.

Chỉ số chứng khoán Stoxx Europe 600 toàn châu Âu giảm 2,5%. Tại châu Á, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 2,2%, trong khi Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,4%.