VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ có tuần tệ nhất từ đầu đại dịch

Chứng khoán Mỹ có tuần tệ nhất từ đầu đại dịch

23:10 - 22/01/2022

Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Từ đầu năm, chứng khoán Mỹ liên tục giảm do nhà đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro vì khả năng Fed tăng lãi suất.

Cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm tuần thứ 3 liên tiếp, tiếp tục trượt dốc từ đầu năm 2022, do nhà đầu tư lo lắng về khả năng lãi suất cao hơn và ảnh hưởng của điều đó đến định giá.

Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite có tuần tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 10/2020.

Đầu năm mới, nhà đầu tư định vị lại danh mục của mình, tránh các tài sản rủi ro. Khả năng lãi suất cao hơn đặc biệt ảnh hưởng đến các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu của các công ty làm ăn thua lỗ, đẩy Nasdaq vào vùng điều chỉnh (giảm 10% so với đỉnh). Trong khi đó, dầu và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng từ đầu năm.

Hầu hết nhà đầu tư kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất vài lần trong năm nay để chống lạm phát. Điều này gây áp lực lên cổ phiếu. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell gọi lạm phát cao là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế. Dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào tháng 12/2021. Ngay cả nếu tăng, lãi suất vẫn ở gần mức thấp lịch sử, điều mà các nhà đầu tư hy vọng sẽ thúc đẩy thị trường.

Fed đang gửi tín hiệu rằng lãi suất bằng 0 hiện không hợp lý, vì vậy họ sẽ hướng đến một con số hợp lý hơn, theo Jonathan Golub, giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ và trưởng bộ phận nghiên cứu định lượng tại Credit Suisse. Ông vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán, đặt mục tiêu cuối năm là 5.200 cho S&P 500, cao hơn khoảng 5,3% so với mục tiêu trung bình của các chiến lược gia Phố Wall.

Cả 3 chỉ số chính đều giảm vào thứ Sáu. Chỉ số S&P 500 giảm 84,79 điểm, tương đương 1,9% xuống 4.397,94, trong khi Chỉ số công nghiệp Dow giảm 450 điểm, tương đương 1,3% xuống 34.265,37. Nasdaq giảm 385,1 điểm, tương đương 2,7%, xuống 13.768,92.

Trong tuần, Nasdaq giảm 7,55%, trong khi S&P 500 giảm 5,7% và Dow mất 4,6%.

Diễn biến 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong tuần 17-21/1. Nguồn: Factset, WSJ.

Diễn biến 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong tuần 17-21/1. Nguồn: Factset, WSJ.

Tiền mã hóa cũng sụt giảm, với Bitcoin có lúc xuống dưới 35.000 USD – mức thấp nhất trong 6 tháng.

Jerry Braakman, giám đốc đầu tư kiêm chủ tịch của First American Trust cho biết: “Tất cả các tài sản rủi ro – tiền điện tử, đòn bẩy cao, cổ phiếu tăng trưởng – đều đang bị ảnh hưởng và những tài sản đang giao dịch tốt hoàn toàn ngược lại, đó là cổ phiếu chất lượng”. Ông khuyến nghị nhà đầu tư không mua cổ phiếu công nghệ giảm giá.

Aoifinn Devitt, Giám đốc đầu tư tại Moneta, cho biết lợi suất cao hơn sẽ đưa định giá một số cổ phiếu công nghệ về mức bình thường và làm cho các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm của thị trường, chẳng hạn như tiện ích và bất động sản, trở nên hấp dẫn hơn. “Không có nghĩa là chúng ta sẽ tiến đến mức lợi suất [trái phiếu] khiến thị trường chứng khoán kém hấp dẫn”, bà nói.

Cổ phiếu ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu cũng giảm mạnh vào thứ Sáu. Chỉ số Stoxx Europe 600 toàn châu Âu giảm 1,8%, trong khi Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải của Trung Quốc và Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,9%.