VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất từ năm 2020

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất từ năm 2020

09:44 - 11/11/2022

Cổ phiếu và trái phiếu Mỹ đều tăng giá mạnh sau khi báo cáo lạm phát thấp hơn dự kiến khiến nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng Fed nới lỏng chính sách.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, sau khi dữ liệu lạm phát nhẹ hơn dự kiến ​​khiến nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất chậm hơn.

Trong hầu hết năm 2022, lạm phát thường xuyên cao hơn dự báo. Điều đó buộc Fed phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ – khiến thị trường chứng khoán rơi vào đợt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đó là lý do tại sao nhà đầu tư phản ứng rất tích cực với dữ liệu lạm phát hôm thứ Năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – tăng 6,3% trong tháng 10 so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 6,5% mà các nhà kinh tế dự báo ​​và giảm từ mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 9. Lạm phát toàn phần là 7,7%, giảm so với mức 8,2% của tháng 9.

Dữ liệu mới làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023

Chứng khoán Mỹ tăng vọt ngay từ khi mở cửa và tiếp tục tăng thêm trong những giờ tiếp theo. Chỉ số S&P 500 tăng 207,80 điểm – tương đương 5,5% – lên 3.956,37, trong khi Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng 760,97 điểm – tương đương 7,4% – lên 11.114,15. Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones tăng 1.201,43 điểm, tương đương 3,7%, lên 33.715,37.

Chứng khoán Mỹ tăng vọt hôm thứ Năm. Nguồn: TradingView.

Chứng khoán Mỹ tăng vọt hôm thứ Năm. Nguồn: TradingView.

Cả 3 chỉ số đều ghi nhận mức tăng theo tỷ lệ phần trăm trong một ngày cao nhất kể từ thời kỳ đầu đại dịch Covid-19 năm 2020.

Trái phiếu cũng tăng giá. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 3,828% từ 4,149% hôm thứ Tư, mức giảm trong một ngày mạnh nhất kể từ tháng 3/2009. Lợi suất trái phiếu tỷ lệ nghịch với giá.

“Chúng tôi tin rằng thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã tìm thấy đáy và có thể phục hồi”, Jay Hatfield – giám đốc danh mục đầu tư tại Infrastructure Capital Advisors – cho biết trong email. Ông Hatfield nói thêm rằng ông tin lạm phát sẽ giảm thêm trong năm tới, đặc biệt là nếu giá năng lượng tiếp tục giao dịch thấp hơn mức trong quý đầu năm 2020.

Chủ tịch Fed Jerome Powell gợi ý tại một cuộc họp báo vào tuần trước rằng ông không nhất thiết phải thấy lạm phát thấp hơn liên tục để ủng hộ giảm tốc độ tăng lãi suất. Điều đó khiến một số nhà quản lý quỹ tin rằng thị trường sẽ sẵn sàng hồi phục khi lạm phát đạt đỉnh và Fed ít nhất có thể tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng với một số người khác, tình hình vẫn không chắc chắn vì lạm phát dù đã giảm nhưng vẫn rất cao.

Vào mùa hè năm nay, cổ phiếu từng hồi phục mạnh khi nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ xoay trục từ tăng lãi suất sang giảm lãi suất sớm nhất vào năm sau. Nhưng đến tháng 8, thị trường bắt đầu giảm trở lại do áp lực từ những tuyên bố mạnh mẽ của Fed về việc cần phải tiếp tục tăng lãi suất, cũng như dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến.

“Tôi có thể thấy khả năng thị trường bị đánh lừa lần thứ hai, như trong mùa hè, khi mà họ phấn khích về câu chuyện lạm phát đạt đỉnh”, theo Hani Redha – nhà quản lý danh mục đầu tư ở PineBridge Investments.

Giới phân tích cho rằng hướng đi của thị trường từ đây phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát và ảnh hưởng của nó đến định hướng chính sách của Fed. Trước cuộc họp tháng 12 của Fed, thị trường sẽ nhận được một dữ liệu lạm phát mới, cũng như báo cáo việc làm hàng tháng. Các nhà kinh tế của Bank of America cho rằng khả năng Fed tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào tháng tới thay vì 3/4 điểm “sẽ vẫn dựa vào [lạm phát] hạ nhiệt liên tục”.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch có vẻ đang bắt đầu đặt cược vào chính sách nhẹ tay hơn của Fed trong những tháng tới. Theo FactSet, các hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy thị trường dự kiến lãi suất đỉnh mà Fed sẽ tăng lên là khoảng 4,87%, giảm từ trên 5% hôm thứ Tư.