VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán thế giới giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ năm 2020

Chứng khoán thế giới giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ năm 2020

17:47 - 18/06/2022

Lo ngại về lãi suất tăng khiến chứng khoán thế giới giảm 5,8% trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Chứng khoán thế giới vừa kết thúc tuần trượt dốc nhất tệ nhất từ đợt giảm đầu đại dịch hồi tháng 3/2020, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của các ngân hàng trung ương để chống lạm phát có thể hủy hoại tăng trưởng kinh tế.

Lần tăng lãi suất lớn nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kể từ năm 1994, động thái tăng lãi suất của Thụy Sĩ đầu tiên trong 15 năm, lần tăng thứ 5 của lãi suất ở Anh kể từ tháng 12 và một động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm hỗ trợ các nước phía nam đang nợ lớn, tất cả đều ảnh hưởng đến các thị trường.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là ngoại lệ duy nhất trong một tuần mà giá tiền tăng lên trên toàn thế giới, khi tiếp tục bám sát với chiến lược lãi suất gần 0 vào thứ Sáu.

Mức giảm trong tuần này của chứng khoán thế giới – được đo bằng chỉ số MSCI International ACWI – là 5,8%, cao nhất kể từ tuần 20/3/2020. Ở Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 5,8%, cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Chứng khoán Mỹ có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Chứng khoán Mỹ có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Các nhà kinh tế tại Bank of America cho biết trong một lưu ý gửi tới các khách hàng: “Lạm phát, chiến tranh và phong tỏa ở Trung Quốc đã làm chệch hướng sự phục hồi toàn cầu”, đồng thời cho biết thêm rằng họ nhận thấy 40% khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ vào năm tới khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP chậm lại gần như bằng 0, lạm phát ổn định ở mức khoảng 3% và Fed sẽ tăng lãi suất trên 4%”.

Hôm thứ Sáu, Fed cho biết cam kết chống lạm phát là “vô điều kiện”. Mối lo ngại rằng việc tăng lãi suất đó có thể gây ra một cuộc suy thoái đã hỗ trợ giá trái phiếu chính phủ Mỹ và làm chậm lại tốc độ tăng của lợi suất (lợi suất giảm khi giá trái phiếu tăng).

Lợi suất trái phiếu của các nước Nam Âu giảm mạnh sau khi có báo cáo chi tiết hơn từ Chủ tịch ECB Christine Lagarde về kế hoạch của ngân hàng trung ương.

“Đường lối chính sách mạnh mẽ hơn của các ngân hàng trung ương sẽ tạo ra những khó khăn cho cả tăng trưởng kinh tế và chứng khoán”, theo Mark Haefele – Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management. “Rủi ro suy thoái đang gia tăng, trong khi việc đạt được hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ ngày càng có vẻ thách thức”.

Tại châu Á, chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, do hoạt động bán tháo ở Úc. Nikkei của Nhật Bản giảm 1,8% và hướng tới mức giảm trong tuần gần 7%.

Cũng ở Nhật Bản, đồng yên lao dốc sau khi ngân hàng trung ương nước này giữ vững quan điểm chính sách cực kỳ lỏng lẻo của mình. Đồng yên giảm 2,2% vào cuối ngày thứ Sáu, củng cố cho đồng USD, tăng 0,73% so với một rổ các đồng tiền chính.

Đồng bảng Anh giảm 1% khi các nhà đầu tư tập trung vào khoảng cách giữa lãi suất của Mỹ và Anh. Ngân hàng Trung ương Anh đang lựa chọn một cách tiếp cận mềm hơn so với Fed.