VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán toàn cầu vừa có tháng tốt nhất trong 3 năm

Chứng khoán toàn cầu vừa có tháng tốt nhất trong 3 năm

10:49 - 01/12/2023

Kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ sớm hạ lãi suất thúc đẩy giá cổ phiếu và trái phiếu tăng mạnh trong tháng 11.

Giáng sinh đến sớm cho nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu trong tháng 11, khi thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ “hạ cánh mềm” thành công và sớm hạ lãi suất.

Chỉ số chứng khoán thế giới của MSCI kết thúc tháng với mức tăng gần 9%, thành tích tốt nhất kể từ tháng 11/2020.

Lạm phát hạ nhiệt thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất xong, nâng giá cổ phiếu và trái phiếu trong khi hạ giá đồng USD.

Giáng sinh đến sớm cho nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu trong tháng 11.

Giáng sinh đến sớm cho nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu trong tháng 11.

Giá trái phiếu toàn cầu tăng vọt, với chỉ số trái phiếu cấp đầu tư toàn cầu ICE BofA tại các thị trường lớn tăng gần 4% trong tháng 11, tháng tốt nhất được ghi nhận kể từ năm 1997. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, tỷ lệ nghịch với giá, có mức giảm trong tháng lớn nhất kể từ năm 2008.

Nhưng một mối lo vẫn còn là nguy cơ suy thoái, có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu nhưng thường là điều kiện tốt cho trái phiếu chính phủ. “Thị trường cổ phiếu quá lạc quan và thị trường trái phiếu đúng”, theo Altaf Kassam, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của State Street Global Advisors. “Vẫn còn khả năng lãi suất giảm và lạm phát tiếp tục giảm nhưng chúng tôi cho rằng để điều đó xảy ra, tăng trưởng cũng sẽ chậm lại và hiệu ứng trễ của việc thắt chặt tiền tệ sẽ xuất hiện”.

Đà tăng cổ phiếu trong tháng 11 diễn ra trên diện rộng, với chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng 8,5% và Stoxx 600 của châu Âu tăng 6%. Cổ phiếu tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghệ cao tăng 11%, trong khi cổ phiếu giá trị tăng khoảng 6,7%.

Kể từ cuối năm 2021, các ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất tổng cộng 39,65 điểm phần trăm và giới đầu tư cho rằng mức đỉnh đã đến. Diễn biến trên thị trường phái sinh cho thấy các nhà giao dịch dự đoán Fed và ECB sẽ cắt giảm lãi suất hơn 1 điểm phần trăm vào năm sau, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế lớn đã dừng tăng lãi suất trong năm nay.

Guy Miller – giám đốc chiến lược thị trường của Tập đoàn Bảo hiểm Zurich – cho biết: “Chúng ta đang có đợt tăng [cổ phiếu] này và chúng ta cần có bằng chứng rõ rằng đây không phải là xoay trục chính sách giả”.

Joost Van Leenders – chiến lược gia đầu tư cấp cao tại ngân hàng Van Lanschot Kempen – dự đoán chứng khoán Mỹ và châu Âu sẽ giảm từ đây do việc thắt chặt tiền tệ tác động đến nền kinh tế.

Doanh số bán nhà ở Mỹ rơi xuống mức thấp nhất 13 năm trong tháng 10, tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp ở khu vực đồng euro giảm lần đầu kể từ năm 2015 với suy thoái kinh tế rập rình. Dữ liệu ngày 30/11 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp trong tháng 11.

Ông Van Leenders cho biết thị trường cổ phiếu cũng đang bỏ qua nhược điểm của lạm phát thấp hơn, bởi vì khi lạm phát cao, các công ty có thể chuyển mức tăng giá cả cho khách hàng để đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận danh nghĩa cao hơn. “Khó hơn [đối với lợi nhuận doanh nghiệp] khi lạm phát giảm”, ông nói.