VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Việt Nam tốt nhất châu Á Thái Bình Dương trong tháng 5

Chứng khoán Việt Nam tốt nhất châu Á Thái Bình Dương trong tháng 5

17:10 - 01/06/2021

Chứng khoán Việt Nam và Đài Loan nằm ở hai thái cực trái ngược, mặc dù cả hai nước đều chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong tháng 5.

Việt Nam là thị trường chứng khoán tốt nhất trong tháng 5 ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khi chỉ số VN-Index tăng 7,15%.

Đà tăng của chứng khoán Việt Nam bất chấp tình hình COVID ở nước ta đang ngày càng trở nên phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Các biện pháp giãn cách xã hội đã bắt đầu được áp dụng tại TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước – từ thứ Hai tuần này.

Trong khi đó, cổ phiếu Đài Loan giảm mạnh trong tháng 5 do số ca nhiễm nội địa tại đây tăng khiến chính quyền phải thắt chặt các biện pháp hạn chế. Chỉ số Taiex của Đài Loan đạt thành tích tệ nhất khu vực trong tháng 5, giảm 2,84%.

Đài Loan từng được quốc tế ca ngợi vì phản ứng ban đầu đối với đại dịch, giúp cuộc sống tại đây hầu như không bị xáo trộn so với những nơi khác. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm gần đây đã dẫn đến các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập trong nhà và ngoài trời.

Tổng số ca nhiễm ở cả Việt Nam và Đài Loan vẫn tương đối thấp so với toàn cầu. Việt Nam đã ghi nhận hơn 7.000 trường hợp mắc bệnh trong khi Đài Loan có hơn 8.000 ca nhiễm.

Ở một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Ấn Độ gây kinh ngạc cho giới phân tích khi nằm trong số các thị trường hàng đầu khu vực trong tháng 5, ngay cả khi nước này đối mặt với một trong những làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất thế giới.

Chỉ số Nifty 50 tăng 6,5% trong khi BSE Sensex tăng 6,47% trong tháng.

“Câu ngạn ngữ “bán vào tháng 5 và đi chơi” (go away and sell in May) không đúng – ít nhất là cho tháng này”, Ông Tuấn Huỳnh, Giám đốc đầu tư khu vực Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng Tư nhân Quốc tế Deutsche Bank, cho biết. “Trong trường hợp của Ấn Độ, tôi nghĩ nó tương đối đáng ngạc nhiên”.

“Các thị trường dường như phân biệt giữa sự phát triển kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp với sự gia tăng của các ca nhiễm mới”, ông nói với CNBC hôm thứ Ba.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 28 triệu ca nhiễm và là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới về số ca lây nhiễm. Số ca nhiễm hàng ngày đã giảm bớt từ mức cao kỷ lục hơn 400.000 vào đầu tháng 5, nhưng vẫn tiếp tục dao động trên 100.000. Con số này vẫn khá cao so với các quốc gia khác trên thế giới.

Timothy Moe, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Á và trưởng chiến lược gia cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, nói với CNBC tuần trước: “Thị trường có xu hướng sống trong tương lai chứ không phải hiện tại”.

Ông chỉ ra rằng có một “cuộc khủng hoảng nhân đạo rất đáng lo ngại” về sự gia tăng COVID ở Ấn Độ. Tuy nhiên, “về cơ bản, thị trường đang bỏ qua điều đó và hy vọng tỷ lệ nhiễm sẽ giảm xuống, điều đã thực sự xảy ra”.