VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Chuyển đổi số: Thời đại của thanh toán online

Chuyển đổi số: Thời đại của thanh toán online

14:51 - 11/09/2024

Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực của hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội, dẫn đến sự thay đổi căn bản về cách thức vận hành và cung cấp giá trị cho khách hàng. Điều này không chỉ bao gồm việc áp dụng công nghệ mới mà còn yêu cầu sự thay đổi trong văn hóa tổ chức, quy trình làm việc và cách thức tương tác với khách hàng. Chuyển đổi số có thể diễn ra ở nhiều cấp độ, từ cá nhân, doanh nghiệp đến các tổ chức lớn và chính phủ. Nhìn chung, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc số hóa thông tin, mà còn là việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới và cải thiện trải nghiệm của người dùng. Qua đó, chuyển đổi số mang lại khả năng tối ưu hóa quy trình, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động cũng như tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo…

Chuyển đổi số sẽ khiến dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, chuyển đổi số còn thâm nhập sâu hơn vào thị trường, nó trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, chuyển đổi số sẽ khiến dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho doanh nghiệp giảm nhanh. Hiểu được điều này, hầu như các doanh nghiệp đều tiến hành chuyển đổi số vì không muốn bị tụt lại phía sau.

Thực tế, công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình sản xuất cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, nhờ vào công nghệ số mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế mà không cần đến kênh phân phối. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh mà còn tăng doanh số. Ngoài ra, các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến, và nền tảng chia sẻ (sharing economy) đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Thời đại của thanh toán online

Đặc biệt, chuyển đổi số còn có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân. Trước hết, người dân được hưởng lợi từ việc tiếp cận dịch vụ tốt hơn và nhanh chóng hơn. Công nghệ số giúp giảm thời gian chờ đợi và tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ, từ y tế, giáo dục đến hành chính công. Dễ thấy nhất là người dân khi ra đường không cần mang tiền mặt vì các quy trình thanh toán cũng được “số hoá”, thanh toán online trở thành xu hướng được ưa chuộng.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỉ giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 87 triệu tỉ đồng.

Theo đó, thanh toán online là hình thức thực hiện giao dịch tài chính qua Internet, cho phép người tiêu dùng thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ mà không cần phải sử dụng tiền mặt hoặc đến trực tiếp các cơ sở giao dịch.

Người dân sẽ tiện hơn khi không cần dùng đến tiền mặt cho các dịch vụ, nhu cầu chi tiêu hằng ngày hay cả các dịch vụ công. Được biết, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với các ngân hàng, trung gian thanh toán cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến đối với nhiều dịch vụ nộp phạt trong lĩnh vực giao thông, phí và các lệ phí thủ tục hành chính, đóng bảo hiểm xã hội, đóng tiền điện, tiền nước,…

Dẫn nguồn tin báo điện tử Thanh niên, thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và kênh điện thoại di động (Mobile) bình quân giai đoạn 2021 – 2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR code đạt hơn 170%. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỉ giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 87 triệu tỉ đồng, trong đó bao gồm thanh toán qua kênh Internet, qua kênh điện thoại di động và qua phương thức QR code…

Không khó để thấy thanh toán không tiền mặt nói chung hay thanh toán online đã hiện diện trong mọi ngóc ngách đời sống của người dân và DN.

Chia sẻ về điều này, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của các ngân hàng ở VN đang ở mức ngang bằng với khu vực. Các phương thức thanh toán online phát triển mạnh như ví điện tử, thẻ tín dụng, QR code… sẽ giúp các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng thuận tiện hơn. Bản thân người tiêu dùng, nhất là giới trẻ luôn cập nhật nhanh và sử dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại. Vì vậy việc thanh toán không tiền mặt sẽ ngày càng phổ biến hơn. Nhưng đồng thời, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh, để đẩy nhanh quá trình này vẫn cần có chính sách khuyến khích, thậm chí yêu cầu các nhà bán lẻ, các DN cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn phải tăng cường dịch vụ thanh toán online, hạn chế tiền mặt.

Theo: https://thanhnien.vn/chuyen-doi-so-nguoi-dan-huong-loi-gi-ra-duong-khong-mang-tien-mat-van-song-khoe-185240905203916743.htm?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews