VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá xăng có thể lên gần 50.000 đồng

Giá xăng có thể lên gần 50.000 đồng

13:59 - 23/06/2022

Ông Trần Trọng Nhân – Giám đốc Công ty cổ phần EduTrade – nhận định giá dầu thế giới có thể lên đến 146 USD/thùng từ nay đến cuối năm, khi đó giá xăng trong nước sẽ lên gần 50.000 đồng/lít.

Giá xăng trong nước có thể lên đến gần 50.000 đồng/lít nếu giá dầu thô thế giới lên 146 USD/thùng. Đây là nhận định của ông Trần Trọng Nhân – Giám đốc Công ty cổ phần EduTrade, đơn vị thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Giá xăng RON 95 trong nước hiện đang ở mức kỷ lục là 32.870 đồng/lít, sau khi được điều chỉnh tăng lần thứ 7 liên tiếp vào ngày 21/6. Xăng E5 RON 92 cũng có giá cao chưa từng thấy, ở mức 31.300 đồng/lít.

Diễn biến trên được ghi nhận trong bối cảnh giá dầu thô Brent – tiêu chuẩn thế giới – gần như luôn giao dịch trên mức 100 USD/thùng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2. Giá dầu thế giới có lúc lên tới 130 USD/thùng trong năm nay – cao nhất kể từ năm 2008. Hiện, giá dầu đang giao dịch ở khoảng 110 USD/thùng.

Giá xăng hiện ghi nhận mức giá kỷ lục, gần 33.000 đồng/lít.

Giá xăng hiện ghi nhận mức giá kỷ lục, gần 33.000 đồng/lít.

Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nhân dự báo giá dầu trong ngắn hạn sẽ đi ngang, sau đó lên 126 USD/thùng và giảm xuống còn 100 USD/thùng. Sau đó, giá dầu có thể lên đến 146 USD/thùng từ nay đến cuối năm, vì nhu cầu dầu tại Trung Quốc sẽ hồi phục khi nước này dỡ phong tỏa.

“Khi giá dầu lên đến 146 USD/thùng thì giá xăng trong nước có thể lên đến gần 50.000 đồng/lít”, ông cho biết.

Ngày 2/6, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn kế hoạch trước đó, nhưng mức tăng 216.000 thùng/ngày chỉ như “muối bỏ biển”, theo ông Nhân. Do đó, giá dầu vẫn ở mức cao sau thông tin này.

OPEC cũng cho biết không có nguồn cung nào bù đắp được nguồn dầu từ Nga. Gần đây, một báo cáo của Bank of America cho rằng giá dầu có thể vượt 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm.

Ông Nhân cho biết một cách mà giá năng lượng tác động lên lạm phát là thông qua giá lương thực. Cụ thể, khi giá xăng đi lên thì chi phí vận chuyển cũng tăng. Ngoài ra, các mặt hàng lương thực liên quan mật thiết đến phân bón – vốn được sản xuất từ phế phẩm của dầu lửa. Khi giá phân bón tăng, lượng phân bón sử dụng giảm khiến năng suất và sản lượng nông nghiệp giảm, đẩy giá lên cao.