VNReport»Kinh tế»Tài chính»Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ đề phòng lạm phát

Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ đề phòng lạm phát

14:14 - 25/05/2022

Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó áp lực lạm phát là nguy cơ lớn nhất.

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Mức lạm phát đó vẫn thấp hơn nhiều nền kinh tế lớn. Ví dụ, Mỹ ghi nhận CPI tháng 4 tăng 8,3% so với một năm trước đó, giảm nhẹ so với tháng 3 khi nước này ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ.

Nhưng các chuyên gia và tổ chức quốc tế cảnh báo Việt Nam cần đề phòng những bất ổn trên thế giới, từ áp lực lạm phát, thiếu hụt nguồn cung đến gián đoạn chuỗi cung ứng do các đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc và chiến tranh Nga-Ukraine.

“Các cá nhân và doanh nghiệp ở khắp mọi nơi đang bị tác động bởi những thách thức mới trên toàn cầu. Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải tăng lãi suất. Điều đó có thể gây ảnh hưởng lớn đến thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội – cảnh báo. “Chúng ta cũng đang phải đối mặt với sự gián đoạn kinh doanh do chính sách zero Covid của Trung Quốc và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng”.

Theo ông Sitkoff, những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, và sẽ tiếp tục gây ra sự bấp bênh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Từ đầu tháng 3, Trung Quốc đã phong tỏa trung tâm tài chính Thượng Hải và nhiều thành phố khác để đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Việc sản xuất và vận chuyển bị gián đoạn ngay cả ở những nơi không có ca nhiễm Covid-19 nào.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo Việt Nam cần cẩn trọng với lạm phát và gián đoạn nguồn cung do tác động của các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc.

Trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng tương đương trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng của ngành sản xuất máy móc thiết bị lại đi ngược xu hướng chung và giảm tốc mạnh so với tháng 3. Theo WB, nguyên nhân nằm ở sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc phong tỏa, khiến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong 2 tháng qua.

Một điểm đáng chú ý nữa là nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 4 cũng tăng chậm hơn xuất khẩu. Theo WB, điều này phản ánh nhập khẩu từ Trung Quốc chậm lại do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD.

Báo cáo của WB lưu ý rằng tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc chậm lại từ 19,4% trong tháng 2 (so với cùng kỳ năm ngoái), xuống 2,6% trong tháng 3 và 11,5% trong tháng 4. Nhập khẩu máy móc và thiết bị từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 15,2% so với cùng kỳ trong tháng 3 và 6,4% trong tháng 4. Đây là 2 tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc chiếm hơn 1/5 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này và khoảng 1/2 tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam.

“Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới”, WB cảnh báo. “Nhìn chung, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên tác động toàn phần của tình trạng phong tỏa ở quốc gia này đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn được cảm nhận trong thời gian tới”.

Giá nhiên liệu là yếu tố đóng góp lớn nhất vào lạm phát trong năm nay.

Giá nhiên liệu là yếu tố đóng góp lớn nhất vào lạm phát trong năm nay.

Các biện pháp phong tỏa cứng rắn của Trung Quốc làm tăng thêm áp lực lạm phát, vốn đã cao trên toàn cầu do những thách thức mới, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine. Ông Sitkoff cho biết: “Xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân chính khiến giá năng lượng tăng cao và lạm phát thế giới tăng nhanh”.

WB nhận định: “Giá cả gia tăng thể hiện tác động của cả yếu tố cung và yếu tố cầu. Về cung, một phần tăng trong giá hàng hóa thế giới và chi phí giao thông đã được chuyển sang giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác trong nước”.

Theo WB, Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và rủi ro đối với việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh như hiện nay. “Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ”, tổ chức này viết

Phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – do bà Era Dabla-Norris dẫn đầu – cũng cảnh báo về những rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. “Triển vọng ngắn hạn chứa đầy rủi ro đáng kể. Rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm tăng trưởng chậm hơn, trong khi rủi ro lạm phát thiên về hướng lạm phát gia tăng”.

Theo bà, Việt Nam cần đưa ra các chính sách tiền tệ thận trọng trước áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. “Nếu có áp lực lạm phát dai dẳng, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt chính sách tiền tệ và thông báo rõ ràng các yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát”.