VNReport»Kinh tế»“Trung Quốc mở cửa giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2%”

“Trung Quốc mở cửa giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2%”

12:03 - 27/01/2023

Ích lợi đối với du lịch và thương mại từ việc Trung Quốc tái mở cửa có thể thêm hơn 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam.

Việt Nam sẽ hưởng lợi về du lịch và thương mại từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm hạn chế do đại dịch Covid-19, theo các nhà kinh tế.

Michael Kokalari – nhà kinh tế trưởng của quỹ đầu tư VinaCapital – cho biết trong một báo cáo: “Chúng tôi kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm hơn 2 điểm phần trăm vào năm tới, nhờ khách du lịch Trung Quốc quay trở lại hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023”. Báo cáo cho biết thêm rằng Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam trước Covid.

Ông Kokalari dự kiến số lượng khách du lịch nước ngoài sẽ tăng hơn 50% so với mức trước Covid vào năm 2023, dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm.

Tốc độ tái mở cửa gần đây ở Trung Quốc cho thấy khách du lịch Trung Quốc có thể trở lại hoàn toàn nhanh hơn. Điều này có thể dẫn đến mức đóng góp thậm chí còn lớn hơn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới so với dự kiến hiện nay, ông nói thêm.

Du khách Trung Quốc có thể trở lại hoàn toàn vào giữa năm 2023.

Bắt đầu từ ngày 8/1, Trung Quốc bỏ hầu hết các yêu cầu xét nghiệm Covid, bỏ truy tìm người tiếp xúc và nối lại hoạt động nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới với Việt Nam, sau 3 năm áp đặt những biện pháp ngăn cấm nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam đã phần nào bị tổn hại bởi các biện pháp trên của thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. Theo Tổng cục Thống kê, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng 11,5% so với năm 2021 lên 60,9 tỷ USD vào năm ngoái.

Tháng 12/2021, có tới 4.000 container từ Việt Nam bị kẹt tại biên giới với Trung Quốc do nước này thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19. Nhưng tình hình hiện đã khác. Theo ông Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, mỗi ngày có khoảng 1.000 phương tiện qua cửa khẩu này để vào Trung Quốc.

Ông Nguyễn Công Kính – giám đốc công ty xuất khẩu nông sản Cao Thành Phát – cho biết kể từ khi Trung Quốc tái mở cửa, công ty của ông có thể rút ngắn thời gian giao hàng sang Trung Quốc bằng đường bộ thay vì đường biển. Ông cho biết nhờ vậy, giá trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang nỗ lực tìm đủ nguồn thanh long để đáp ứng nhu cầu của người mua Trung Quốc.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Thành Nhơn ghi nhận số đơn hàng từ Trung Quốc tăng 40% kể từ khi mở cửa trở lại.

Paul Tonkes của công ty bất động sản công nghiệp Core5 Việt Nam cho biết đã có “một sự bùng nổ nhỏ” trong hoạt động của các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam và việc mở cửa trở lại sẽ khuấy động nhiều hoạt động hơn trong chuỗi cung ứng. “Mọi thứ đang tốt lên,” ông nói với Nikkei Asia. “Việc kinh doanh đã bị đình trệ hoặc chịu áp lực trong một thời gian khá dài”, nhưng bây giờ có một “sự giải phóng”.

Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ giữa năm 2023. “Khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, Trung Quốc sẽ tự tin hơn về chính sách mở cửa của mình và điều này sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu và du lịch của Việt Nam”, theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông Kokalari cho rằng ngoài việc thúc đẩy thương mại, tác động tức thời nhất là sự cải thiện tâm lý đối với tiền đồng, vì giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng vọt là yếu tố chính thúc đẩy giá trị của đồng tiền Việt Nam phục hồi vào cuối tháng 12. Ông nói thêm rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể mong đợi sự thúc đẩy từ việc Trung Quốc tái mở cửa.