Tuần trước, Công ty cổ phần VNG thông báo đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) để chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) ở Mỹ.
Theo đó, VNG Limited – cổ đông lớn nhất và pháp nhân kiểm soát của VNG – dự kiến chào bán cổ phiếu phổ thông loại A trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.
Theo cơ cấu sở hữu nêu tại bản cáo bạch, VNG Limited là công ty mẹ chi phối Công ty cổ phần VNG, nắm giữ 49% cổ phần sở hữu trực tiếp và 21,3% cổ phần sở hữu gián tiếp thông qua thỏa thuận với Công ty Công nghệ BigV.
VNG Limited có trụ sở chính tại Quần đảo Cayman, mới thành lập vào ngày 1/4/2022. Toàn bộ cổ phần VNG do VNG Limited nắm giữ đều được chuyển nhượng từ cổ đông nước ngoài hiện hữu của VNG vào thời điểm đó.
Theo hồ sơ gửi SEC, VNG Limited phát hành 2 loại cổ phiếu: loại A (nắm giữ 100% lợi ích kinh tế nhưng chỉ nắm giữ 49% quyền biểu quyết) và cổ phiếu loại B (không có lợi ích kinh tế nhưng chiếm 51% quyền biểu quyết).
Cổ phiếu loại B được phát hành cho 2 nhà sáng lập công ty là Lê Hồng Minh – Tổng Giám đốc – và Vương Quang Khải – Phó Tổng Giám đốc thường trực. 1 cổ phiếu loại B có quyền biểu quyết tương đương 10 cổ phiếu loại A.
Danh sách cổ đông chủ chốt sở hữu cổ phiếu hạng A của VNG Limited là các tập đoàn hàng đầu như Tencent và Ant Group của Trung Quốc, hai quỹ đầu tư của chính phủ Singapore Temasek và GIC.
Thông tin này xác nhận tin đồn nhiều năm rằng Tencent là một trong những cổ đông lớn của VNG. Đại gia Internet của Trung Quốc đang nắm giữ hơn 65 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited thông qua 2 pháp nhân là Tenacious Bulldog Holdings và Prosperous Prince Enterprises Limited. Tencent sẽ nhận thêm 7,5 triệu cổ phiếu sau khi hoàn tất IPO, giúp họ nắm hơn 47% cổ phiếu hạng A của VNG Limited.
Tencent, Temasek và GIC từ lâu đã được cho là cổ đông của VNG. Nhưng Ant Group là cái tên mới. Tập đoàn tài chính do Jack Ma sáng lập dự kiến nắm giữ gần 6% cổ phiếu hạng A của VNG Limited sau IPO.
Hai ông lớn từ Trung Quốc sẽ nắm giữ quá bán lợi ích kinh tế của VNG sau IPO. Nhưng xét theo quyền biểu quyết, họ chỉ có 26%, và ông Minh và ông Khải vẫn nắm đa số quyền biểu quyết thông qua việc sở hữu các cổ phiếu loại B. Cụ thể, ông Minh sở hữu 12,6 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng 45% quyền biểu quyết, và ông Khải nắm 1,68 triệu cổ phiếu loại B hay 6% quyền biểu quyết.
Trong hồ sơ gửi lên SEC, VNG cho biết họ dự định chào bán khoảng 21,7 triệu cổ phiếu, với mức giá đề xuất chưa được ấn định. Một nguồn tin của Dow Jones nói rằng công ty công nghệ Việt Nam đặt mục tiêu huy động khoảng 150 triệu USD trong đợt IPO có thể xảy ra sớm nhất vào tháng 9.
Hồ sơ gửi lên SEC cho biết số tiền thu được từ IPO sẽ được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư nước ngoài ban đầu là cổ đông trực tiếp của công ty và trả các khoản nợ tồn đọng, cùng với những mục đích khác.
Thành lập vào năm 2004 với tên Vinagame, VNG khởi đầu là một công ty phát hành game. Đây là kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên của Việt Nam và từng ký một thỏa thuận sơ bộ vào năm 2017 với sàn Nasdaq để tiến hành IPO. Hoạt động kinh doanh hiện tại của công ty có trụ sở tại TP HCM bao gồm trò chơi trực tuyến, thanh toán, dịch vụ đám mây và ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam, Zalo.
Theo hồ sơ, Citigroup, Morgan Stanley, UBS và Bank of America là những ngân hàng bảo lãnh cho đợt IPO.
VNG nộp đơn IPO sau đợt niêm yết gần đây của hãng ô tô điện VinFast tại Mỹ, mặc dù VinFast niêm yết cửa sau thông qua sáp nhập với một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Đợt IPO của VNG có thể giúp tạo thêm động lực cho các công ty Đông Nam Á khác niêm yết ở Mỹ.
Theo hồ sơ, VNG lỗ trước thuế 614 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, với tổng doanh thu 3.960 tỷ đồng. Ở trong nước, công ty niêm yết cổ phiếu ở sàn UPCoM với mã VNZ.