VNReport»Kinh tế»Tài chính»Vốn nước ngoài rót mạnh vào các ngân hàng

Vốn nước ngoài rót mạnh vào các ngân hàng

12:09 - 15/06/2022

Với những kế hoạch huy động vốn trong năm 2022, ngành ngân hàng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại của Việt Nam có kế hoạch huy động vốn ít nhất 2,8 tỷ USD trong năm 2022 để tài trợ cho tăng trưởng. Đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Các ngân hàng của Việt Nam cần phải thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước để đáp ứng tham vọng về vốn. Dựa theo thông báo tại các đại hội đồng cổ đông, Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam ước tính yêu cầu cấp vốn tại 17 trong số 27 nhà băng đang niêm yết có thể lên tới 4,2 tỷ USD.

“Nếu các ngân hàng muốn huy động được lượng tiền này và định giá tốt, họ cũng cần phải tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài”, Quản Trọng Thành –Trưởng bộ phận nghiên cứu của Maybank Việt Nam – nói với S&P Global Market Intelligence.

Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là một trở ngại trong khả năng huy động vốn ngoại của các ngân hàng Việt Nam.

Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là một trở ngại trong khả năng huy động vốn ngoại của các ngân hàng Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất và ngày càng trở nên quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi các công ty trên thế giới tiếp tục đa dạng hóa địa điểm sản xuất của mình. Các ngân hàng trong nước dự kiến ​​tiếp tục là nguồn tài trợ chính cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của đất nước.

Tính đến 30/6/2021, 11 ngân hàng Việt Nam có cổ đông tổ chức nước ngoài sở hữu trên 15% vốn điều lệ, và 5 ngân hàng khác có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 25%. Quy định hiện cho phép nhà đầu tư chiến lược sở hữu hết 20% vốn chủ sở hữu tại các ngân hàng Việt Nam, trong khi các tổ chức và cá nhân có thể sở hữu lần lượt 15% và 5%, mặc dù tổng sở hữu nước ngoài không được vượt quá 30%.

Vietcombank có Mizuho Financial Group của Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ sở hữu 15%, tương tự như BIDV với Hana Financial Group. Mitsubishi UFJ Financial Group sở hữu 19,73% tại VietinBank.

Ông Thành cho biết, các kế hoạch huy động vốn năm 2022 bao gồm MB và VPBank phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu Viettel và Sumitomo Mitsui Banking, với tổng trị giá 2,7 tỷ USD. Cũng trong danh sách này còn có kế hoạch huy động tổng cộng 1,5 tỷ USD của các nhà băng như SHB, LienVietPostBank, BIDV và SeABank. Tuy nhiên, những đợt huy động này có thể không xảy ra trong năm 2022, ông Thành nói thêm.

Mặc dù vậy, giới hạn 30% đối với đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng của Việt Nam sẽ hạn chế các lựa chọn của các nhà băng trong nước, theo Amit Pandey – một nhà phân tích tại S&P Global Ratings.

“Các nguồn vốn trong nước có thể không đủ, do thị trường trong nước có năng lực hạn chế, trong khi nguồn vốn nước ngoài bị hạn chế bởi các quy định tại Việt Nam giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài trong các ngân hàng”, ông nói.

Ông cho biết thêm rằng mức vốn thấp là một trong những rủi ro chính liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố kế hoạch trong năm 2018 nhằm gắn kết các ngân hàng trong nước với tiêu chuẩn quốc tế. Nợ xấu được bán cho Công ty VAMC và các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam bắt buộc phải niêm yết vào năm 2020. Hiện, chỉ còn 4 ngân hàng chưa được niêm yết và theo ông Thành, đó không còn là ưu tiên cao nữa. Đến năm 2025, NHNN đặt mục tiêu có 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất tính theo tổng tài sản ở châu Á.

Trong tháng 6 này, Chính phủ ra quyết định đặt mục tiêu giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tồn đọng và thúc đẩy các ngân hàng đạt tỷ lệ an toàn vốn cao hơn, từ 10% đến 11% vào năm 2023, và tối thiểu 11% đến 12% vào năm 2025.

Theo S&P Capital IQ Pro, các ngân hàng ở Việt Nam có tỷ suất sinh lợi từ tài sản (ROA) trung bình là 1,29% trong năm 2021, cao hơn mức 0,67% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các ngân hàng ở Việt Nam cũng dự kiến ​​sẽ chuyển sang tiêu chuẩn Basel II vào tháng 1/2023, theo kế hoạch của NHNN. Mục tiêu đó bị lùi lại từ năm 2020 do đại dịch Covid-19. Theo yêu cầu mới, các ngân hàng phải có tỷ lệ an toàn vốn là 8%. Theo dữ liệu của Market Intelligence, 2/3 số ngân hàng đã đáp ứng mức tỷ lệ an toàn vốn từ 11% đến 12% – mục tiêu của Chính phủ vào năm 2025.