VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

11:52 - 27/09/2022

Tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước cải thiện vị thế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vốn FDI giải ngân tăng mạnh

Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn quốc tế hàng đầu và nhiều doanh nghiệp nước ngoài được khảo sát vẫn tiếp tục mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. 9 tháng năm 2022, giải ngân vốn FDI tăng 16,2% so với cùng kỳ, đạt 15,4 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.

Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt là 3 quốc gia có tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam cao nhất hiện nay. Còn tính theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm, đưa ra các quyết định đầu tư mới nhất tới Việt Nam (chiếm 21,4% số dự án mới, 36% số lượt điều chỉnh và 35% số lượt góp và mua cổ phần). TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh là 3 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI.

Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn quốc tế hàng đầu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vốn FDI hàng năm trong khu công nghiệp, khu kinh tế đang chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước. Tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI khu vực này đang chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, cùng với sự phát triển của các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Panasonic, Boeing, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Những dự án FDI góp phần mang đến cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vẫn còn những nút thắt cần tháo gỡ

Nhìn nhận cơ hội phát triển của công nghiệp hỗ trợ từ dòng vốn FDI đang đổ mạnh về Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng, vấn đề hiện nay là khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt còn hạn chế bởi những yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối rất khắt khe.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất. Vì vậy đề nghị ngân hàng cần thay đổi phương thức đánh giá khả thi hơn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI và tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, theo chuyên gia kinh tế TS Trần Đình Thiên, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thuý Hương đề xuất Chính phủ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Thu hút vốn FDI theo hướng quan tâm chào đón các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng, từ đó mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao và những mắt xích then chốt.

Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cần từng bước thực hiện các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt doanh nghiệp Việt, khắc phục được các điểm yếu cố hữu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cùng với cơ chế chính sách phát triển, cơ quan quản lý sẽ là những cánh tay nối dài của doanh nghiệp, giúp tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chính phủ có giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình ưu đãi chênh lệch cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là 5%.

“Các doanh nghiệp FDI nếu đi vay để đầu tư sản xuất chỉ phải chịu lãi suất 1-3%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang phải đi vay lãi suất phải trả lên đến 8-10%. Nếu không cấp bù lãi suất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta thua ngay từ đầu. Trong Nghị định 111 của Chính phủ cũng có các quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có chính sách ưu đãi về thuế”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp, trên cả nước, đến nay đã có 140 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp hỗ trợ để được hưởng chính sách. Tuy nhiên, dù hầu hết các tiêu chí này không khó khăn nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được.