VNReport»Kinh tế»Thanh lọc startup Việt

Thanh lọc startup Việt

16:41 - 13/02/2023

Năm 2023 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ là quãng thời gian khó khăn với các startup Việt khi nguồn vốn dần thắt chặt nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội để thanh lọc thị trường, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Nguồn vốn dần thắt chặt

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng khởi nghiệp của Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường startup toàn cầu, trong năm 2022, tổng số vốn đầu tư vào các startup Việt giảm tới 40% so với 1 năm trước đó, chỉ còn ở mức 855 triệu USD.

Đáng chú ý, chỉ có duy nhất 1 startup Việt là Sky Mavis nhận được 150 triệu USD đầu tư. Tuy nhiên thương vụ này đã được bắt đầu từ 2021. Do vậy, nếu tính chính xác, thậm chí tổng số vốn các startup Việt nhận được trong năm 2022 còn thấp hơn con số hơn 855 triệu USD trên.

Sky Mavis là startup duy nhất nhận được 150 triệu USD đầu tư trong năm 2022.

Ở các hạn mức đầu tư cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Trong năm 2022, số thương vụ có giá trị lớn hơn 50 triệu USD đã giảm tới 55%. Thương vụ trong khoảng 500.000 – 3 triệu USD giảm 20%. Thậm chí các thương vụ tại vòng hạt giống với số tiền nhỏ hơn 5.000 USD cũng giảm tới 19%.

Lý giải về nguyên nhân của sự sụt giảm nói trên, CEO Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố vĩ mô. Theo đó, việc lãi suất ngân hàng tăng, lạm phát tăng, cộng với tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động mạnh tới các nguồn vốn dành cho startup. Hiện các nhà đầu tư đang giảm dần dòng tiền cho hoạt động đầu tư mạo hiểm nhằm hạn chế rủi ro trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, tiêu chí rót vốn đầu tư cũng đã có sự thay đổi. Thay vì chỉ tập trung đổ tiền cho các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh thì nay các nhà đầu tư lại dồn sự chú ý cho các dự án có khả năng tăng trưởng bền vững. Những startup có đầu tư bài bản, theo từng giai đoạn và hướng tới mô hình lâu dài sẽ có khả năng lớn nhận được đầu tư.

Đưa ra dự đoán về tình hình trong năm 2023, CEO Dong A Solutions Trần Bằng Việt cho rằng, nguồn tiền từ các quỹ đầu tư đổ vào startup Việt trong năm 2023 sẽ chậm lại, nhiều nhà đầu tư có tâm lý giữ tiền mặt hơn là mang đi đầu tư. Điều này sẽ khiến nguồn vốn đổ vào các startup ở dạng tiềm năng – vốn chiếm số đông ở Việt Nam, giảm đi rất mạnh.

Đi chậm nhưng chắc hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn rót cho các startup Việt khả năng lớn sẽ tiếp đà giảm trong năm 2023, tương tự như với một năm trước đó. Nhưng điều này cũng mở ra cơ hội cho các startup phát triển bền vững thay vì “ăn xổi” trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Ảnh Cường – CEO nền tảng mua trước trả sau Fundiin cho biết rất nhiều startup hiện nay đang gặp vấn đề trong việc thay đổi thứ tự ưu tiên. Trước đây họ tập trung cho tăng trưởng, còn hiện tại là phải có lợi nhuận, nên một số startup không thể thay đổi nhanh định hướng này thì sẽ rất khó khăn trong gọi vốn.

Còn CEO Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, 2023 là cơ hội để startup Việt điều chỉnh lại hướng đi của mình theo hướng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Thay vì tiêu tốn nhân lực, tài chính để tăng trưởng thần tốc thì các startup có thể quay sang tập trung nhiều hơn nữa vào sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo bà Uyên Vy, giai đoạn sắp tới, doanh thu ngắn hạn sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư. Thay vào đó một startup sẽ phải có mô hình hoạt động bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng trong dài hạn. Do đó có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như chi phí vận hành phải được tối ưu, lợi nhuận bền vững trong tương lai ra sao…

Trên thực tế, việc gọi được vốn ồ ạt như năm 2021 về lâu dài không hoàn toàn tốt cho môi trường khởi nghiệp của Việt Nam. Gọi vốn dễ cũng mang lại nhiều hệ quả tiêu cực.

Tiền về càng nhanh, các startup phải tăng trưởng về doanh thu cũng phải càng nhanh. Khi đó nhiều startup sẽ phải chọn cách tăng trưởng không bền vững như chi phần lớn số tiền được đầu tư cho quảng cáo thay vì tập trung vào sản phẩm. Điều này đã khiến nhiều startup phá sản chỉ ít lâu sau khi nhận được đầu tư.

Có đồng quan điểm, Giám đốc quỹ ThinkZone Ventures Lê Huỳnh Kim Ngân cho rằng, năm 2023, các yếu tố tinh gọn và hiệu quả sẽ là những tiêu chí hàng đầu để đánh giá về startup, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế như ở thời điểm hiện tại. Sự hào nhoáng về tài chính trong ngắn hạn đã bị thay thế bằng sự phát triển bền vững.

Bàn về giải phát hút vốn cho các startup giai đoạn khó khăn này, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch và Đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho biết, tất cả các công ty startup đều cần vốn, nhưng muốn gọi được vốn thì tất cả hệ thống ghi chép thu chi của doanh nghiệp phải rất chi tiết, tỉ mỉ. Nếu không minh bạch và xử lý dữ liệu từ đầu, khi cần gọi vốn rất khó.

Ngoài ra, ông Diệp cho rằng đa phần startup “chết” vì tiêu tiền quá tay, không biết quản lý tài chính, chi chỗ nào và tiết kiệm chỗ nào. Do vậy các startup cần có một cái nhìn mới về quản lý tài chính, nên đầu tư vào đâu, phân bổ tài chính như thế nào. Đây là những vấn đề then chốt không chỉ startup mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần chú trọng.

Khi dòng tiền mặt không còn dồi dào, các chuyên gia của S&P Global cũng khuyến cáo các công ty kì lân nên ngừng chi tiêu nếu tình hình kinh doanh không khả quan và nên cân chắc giữa việc mở rộng quy mô hay cải thiện dòng tiền.