VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Công khai thông tin người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Công khai thông tin người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

14:35 - 04/09/2024

Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều đổi mới cùng các xu hướng tiêu dùng mới xuất hiện tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã ra đời. Theo đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi (Luật số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023) chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong Nghị định số 55/2024/NĐ-CP này có quy định công khai thông tin người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Nghị định 55 có quy định mới về việc công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo NTD trong giao dịch trên không gian mạng. Cụ thể:

(a) Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong 30 ngày.

(b) Nội dung công bố công khai gồm:

(i) Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD;

(ii) Hành vi, địa bàn vi phạm;

(iii) Cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đó, việc công khai thông tin về người bán hàng vi phạm giúp người tiêu dùng có thể nhận diện và tránh xa các đối tượng không đáng tin cậy, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ như hiện nay. Điều này cũng tạo ra một môi trường mua sắm an toàn hơn, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, quy định này cũng giúp cải thiện quy trình khiếu nại của người tiêu dùng khi có thông tin rõ ràng về ai là người chịu trách nhiệm trong trường hợp có vấn đề xảy ra. Bên cạnh đó, công khai thông tin vi phạm cũng thúc đẩy các cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Công khai thông tin người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong 30 ngày

Nhìn chung, quy định công khai thông tin người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là một động thái tích cực góp phần nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một số điểm mới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bên cạnh Nghị định số 55/2024/NĐ-CP thì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng có một số quy định mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và khả thi. Đồng thời, luật này cũng tạo ra động lực để cải thiện môi trường tiêu dùng an toàn, chất lượng.

Một số điểm mới cần chú ý như các hoạt động công cộng thu hút sự tham gia của số lượng lớn người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như các hoạt động khác để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, luật mới quy định cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại, ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại ban hành theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ và trung tâm thương mại là ban hành nội quy theo quy định của pháp luật, trong đó phải bao gồm các nội dung cơ bản liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này bao gồm quyền và trách nhiệm của cả người tiêu dùng và người bán hàng, cũng như người có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, phản ánh từ phía người tiêu dùng, cùng với biện pháp xử lý khi có vi phạm. Tổ chức cũng phải thực hiện hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng trong phạm vi chợ và trung tâm thương mại khi có yêu cầu.

Mặt khác, cần thiết lập và duy trì hoạt động của các cân đối chứng và thiết bị đo lường tại các chợ và trung tâm thương mại, giúp người tiêu dùng tự kiểm tra số lượng và khối lượng hàng hóa. Những cân đối chứng và thiết bị đo lường này phải được kiểm định và còn trong thời hạn kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường. Cuối cùng, tổ chức cần thường xuyên giám sát chất lượng và số lượng hàng hóa, cũng như tình trạng của các cân đối chứng và thiết bị đo lường trong khu vực chợ và trung tâm thương mại.

Theo: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-bang-luat-phap-123708.html