VNReport»Kinh tế»Công nghiệp điện tử Việt Nam hưởng lợi khi các hãng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Công nghiệp điện tử Việt Nam hưởng lợi khi các hãng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

15:15 - 07/09/2022

Khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google… dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam chính là thị trường được hưởng lợi nhiều nhất.

Xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã là công xưởng của thế giới về thiết bị điện tử công nghệ cao khi có khả năng đảm bảo lực lượng lao động có tay nghề và năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, trước những lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra liên quan đến Trung Quốc trong vài năm qua, nhiều hãng công nghệ đang xem xét dịch chuyển sản xuất ra khỏi quốc gia này.

Theo Lior Susan – người sáng lập Eclipse Venture Capital, đế chế sản xuất ở Trung Quốc đang bị lung lay. Và nguồn vốn ngày càng được đổ vào những thị trường bên cạnh Trung Quốc để tìm giải pháp thay thế. Thực tế cho thấy, một số công ty công nghệ lớn bao gồm Google, Apple và Microsoft đã chuyển các dây chuyền sản xuất công nghệ phổ biến nhất thế giới của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Foxconn đang mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam

Theo thông tin từ tờ The New York Times, một phần trong quá trình sản xuất điện thoại Pixel mới nhất của Google sẽ được thực hiện tại Việt Nam. Trước Google, Apple đã lên kế hoạch đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến trong kế hoạch đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc của các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ. Theo đó, các nhà cung cấp của Apple đặt tại Việt Nam như là Luxshare và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.

Việt Nam hiện đang được coi là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ, bao gồm cả máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods. Danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu gần đây của Apple cho thấy khoảng 10% trong số họ đang vận hành các nhà máy tại Việt Nam.

Bên cạnh Apple và Google, Microsoft và ngay cả Amazon cũng đã đưa một phần quá trình sản xuất Xbox và Amazon’s Fire TV đến Việt Nam và Ấn Độ, tạo thành làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ.

Việt Nam là thị trường được hưởng lợi

Khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google… dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam chính là thị trường được hưởng lợi nhiều nhất nhờ lợi thế về yếu tố vị trí địa lý.

Đơn cử, Foxconn gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá 300 triệu USD để mở rộng quy mô tại Việt Nam với một nhà máy mới dự kiến tạo ra 30.000 việc làm. Tại các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Foxconn và các nhà sản xuất theo hợp đồng khác vận hành các nhà máy lớn và người lao động từ khắp nơi đang đổ về các cơ sở này để tìm kiếm việc làm. Một bảng quảng cáo bên ngoài một nhà máy Foxconn ở Bắc Ninh cho thấy công ty đang cần tuyển gấp 5.000 công nhân với mức lương khoảng 300 USD/tháng.

Cũng nhờ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất của nhóm ngành điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 11,3%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của nhóm ngành này so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Trong đó, linh kiện điện thoại là một trong số sản phẩm công nghiệp chủ lực có chỉ số tăng cao trong 8 tháng với mức tăng trưởng tới 19,6%.

Về xuất khẩu, trong 8 tháng năm 2022, điện thoại và các mặt hàng điện tử đều lọt trong 6 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Theo đó, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt trị giá 39,6 tỷ USD, tăng trưởng 12,1%. Trong khi đó, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Việc đang thu hút đầu tư và dần trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều hãng công nghệ, điện tử lớn trên toàn cầu như Samsung, LG, Apple… được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích, kích thích sự tham gia của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng; đồng thời nâng cao vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Theo Cushman & Wakefield – một công ty bất động sản thương mại toàn cầu, sự quan tâm từ Foxconn và các công ty khác cũng khiến giá bất động sản công nghiệp ở Việt Nam tăng kể từ năm 2019 lên 105 USD/m2, trong khi chi phí nhà kho cũng tăng 20%.