VNReport»Kinh tế»Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu tăng mạnh

Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu tăng mạnh

10:16 - 12/05/2021

Tổng công suất năng lượng tái tạo thế giới tăng 45% trong năm ngoái, trong khi nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 4%.

Nhu cầu năng lượng toàn cầu đã giảm 4% trong năm 2020, khi các chuyến bay ngừng hoạt động, các nhà máy đóng cửa và người lao động phải ở trong nhà. Tuy nhiên, một nhánh của thị trường điện thế giới vẫn tiếp tục phát triển. Theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất năng lượng tái tạo tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hai thập kỷ. Công suất năng lượng tái tạo mới đã tăng 45% trong năm ngoái, bổ sung thêm 280GW vào nguồn cung thế giới – nhiều hơn toàn bộ công suất sản xuất năng lượng của Đức.

Sự gia tăng đột biến một phần là do cuộc tranh giành để lắp đặt thêm công suất năng lượng tái tạo ở Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam trước khi trợ cấp của chính phủ hết hạn. Do các kế hoạch trợ cấp như vậy, công suất năng lượng tái tạo mới trong quý 4 năm 2020 gấp hai lần so với trong 3 tháng cuối năm 2019. Hầu hết sự tăng trưởng này đến từ việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và gió mới, mặc dù công suất từ thủy điện cũng tăng lên rõ rệt.

Trung Quốc chiếm 80% các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời và gió trên đất liền mới. Các nhà phát triển ở nước này đã đẩy cao tiến độ nhằm đáp ứng thời hạn yêu cầu các dự án được trợ cấp của chính phủ phải kết nối với lưới điện vào cuối năm 2020.

Công suất năng lượng tái tạo mới trên thế giới, đơn vị: GW. Nguồn: IEA và The Economist

Công suất năng lượng tái tạo mới trên thế giới, đơn vị: GW. Nguồn: IEA và The Economist

IEA dự kiến mức ​​tăng trưởng tương tự trong sản xuất năng lượng tái tạo trong vài năm tới. Tổ chức này dự báo công suất mới sẽ đạt 270 GW trong năm nay và gần 280 GW vào năm 2022. Những ước tính này đã được điều chỉnh tăng hơn 25% kể từ tháng 11 khi chính phủ một số quốc gia đã ký hợp đồng để xây dựng mức công suất năng lượng tái tạo kỷ lục.

Thị trường cho các thỏa thuận mua bán điện – các hợp đồng cung cấp điện dài hạn – của doanh nghiệp cũng bùng nổ vào năm 2020. Những xu hướng này đặc biệt rõ ràng ở Liên minh châu Âu, khi các chính phủ và công ty phải đối mặt với áp lực đáp ứng các mục tiêu khí hậu của khối cho năm 2030. Động lực dự kiến ​​sẽ tiếp diễn trong những năm tới, miễn là có đủ nguồn cung cấp các khoáng chất quan trọng cần thiết để xây dựng tuabin gió và các thiết bị khác – chẳng hạn như niken, coban, lithium, đồng và kim loại đất hiếm.

Mặc dù năng lượng tái tạo bùng nổ trong năm ngoái, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chủ đạo của thế giới, với sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng vào năm 2021. Một báo cáo được công bố vào tháng 4, cũng của IEA, dự đoán rằng lượng khí thải cacbon dioxit liên quan đến năng lượng sẽ tăng tăng gần 5% vào năm 2021, khi các quốc gia dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại, đảo ngược mức giảm đã xảy ra trong đại dịch. Nhu cầu toàn cầu về than để sản xuất điện dự kiến ​​sẽ gần đạt mức đỉnh hàng năm.