VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Covid-19 tạo cú hích cho hàng Việt phủ sóng thị trường nội địa

Covid-19 tạo cú hích cho hàng Việt phủ sóng thị trường nội địa

16:59 - 01/11/2021

Covid-19 đã tạo cú hích mạnh mẽ cho hàng Việt Nam phủ sóng tại thị trường trong nước.

Thị trường nội địa được xem là “cứu cánh” cho nhiều ngành hàng trong “bão” Covid-19. Trước khi xảy ra dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt thường coi trọng hoạt động xuất khẩu hơn là thị trường nội địa do xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn mà doanh nghiệp không phải mất nhiều công sức để xây dựng mạng lưới phân phối và tiêu thụ.

Tuy nhiên, hai năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị phần xuất khẩu giảm sút, việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước gặp nhiều khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu thay đổi chiến lược, hướng đến phủ sóng thị trường tiêu thụ nội địa khi nhận thấy tiềm năng to lớn từ thị trường với hơn 90 triệu dân. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước hơn. Điều này tạo cú hích mạnh mẽ cho hàng Việt Nam phủ sóng tại thị trường trong nước.

 Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường nội địa

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, người tiêu dùng ngày càng ưu ái hơn cho hàng Việt. Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam có sự ưu tiên mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm địa phương, với 17% người tiêu dùng chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa. Trong khi đó, mức tiêu dùng nội địa trung bình trên toàn cầu tương ứng là 11% và 54%. Đặc biệt, tại các kênh phân phối, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước đang chiếm áp đảo, với khoảng 85% các gian hàng. Lượng hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cho đến nay, hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước tin tưởng và đã có mặt trong chuỗi hơn 1.100 siêu thị lớn và hàng loạt các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trên khắp cả nước. Tỷ lệ hàng Việt trong các kênh phân phối hiện đại duy trì ở mức cao như: Co.opmart chiếm 90-93%; ở Satra là 90-95%; Vinmart 96%; Hapro 95%… Với các kênh phân phối nước ngoài, hàng Việt cũng chiếm 65-96%.

Không chỉ ở các kênh bán lẻ hiện đại mà tại các chợ truyền thống lớn, các mặt hàng Việt từ thời trang cho đến thực phẩm, đặc biệt là bánh kẹo… đều chiếm thị phần trên 80%. Theo các tiểu thương bán hàng, tâm lý người tiêu dùng khi mua hàng hiện nay đều hỏi xuất xứ hàng hóa nên họ đều lấy hàng từ các cơ sở sản xuất trong nước. Các tiểu thương cũng cho biết, cùng một loại hàng nhưng nếu được nhập khẩu từ Trung Quốc thì nhiều người tiêu dùng sẽ e dè không mua. Hơn nữa, hàng Việt hiện nay mẫu mã cũng khá đẹp, chất lượng cũng không thua hàng ngoại, giá cả phù hợp nên được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động từ tháng 8/2009 đến nay cũng đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững. Bộ Công Thương cho biết, chính các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là hàng thiết yếu đang đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giờ đây không còn chỉ là một cuộc vận động mà đã trở thành tiêu chí của nhiều người tiêu dùng trong các kênh bán lẻ từ truyền thống, hiện đại đến các trang thương mại điện tử.

Điều tra của Viện nghiên cứu dư luận cho thấy, 88% người tiêu dùng quan tâm tới Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 67% người tiêu dùng tự xác định mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; 52% khuyên người thân bạn bè nên sử dụng hàng Việt Nam.

Ngoài ra, những chương trình như mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng góp phần làm cho bức tranh hàng Việt thêm sinh động, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh của hàng Việt Nam ngay trên “sân nhà”. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có trên 2.049 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 43 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hoá đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm.

Tuy nhiên, dù tiềm năng thị trường rất lớn nhưng theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT hiện nay, tại chính sân nhà, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các nước, nhất là từ EU. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để hàng Việt nâng cao chất lượng, nâng cao tiêu chuẩn và tự làm mới mình. Người tiêu dùng sẽ có rất nhiều lựa chọn và họ sẽ chọn những gì tốt nhất.