VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»CPI bình quân 12 tháng tăng 3,15%

CPI bình quân 12 tháng tăng 3,15%

15:18 - 29/12/2022

Bình quân 12 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,15%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra. Nhưng lạm phát có xu hướng tăng lên trong những tháng cuối năm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 12 tháng năm 2022 tăng 3,15%, Tổng cục Thống kê cho biết trong một báo cáo công bố ngày thứ Năm. Con số này đạt được mục tiêu dưới 4% do Quốc hội đề ra vào đầu năm.

Theo Tổng cục, mặt bằng giá năm nay cơ bản vẫn được kiểm soát mặc dù nhu cầu sản xuất hàng hóa trong nước lên cao khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và giá hàng hóa thế giới tăng mạnh.

Một trong những mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào mức tăng CPI năm nay là xăng dầu, với giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh 34 lần, tăng 28,01% so với năm trước. Giá gas cũng tăng 11,49%.

Giá gạo biến động theo giá xuất khẩu và nhu cầu thị trường, tăng 1,22% trong năm 2021. Giá thực phẩm tăng 1,62%. Ngoài ra, giá nhà ở và vật liệu tăng 3,11%.

Trong khi đó, có một số yếu tố giúp kìm hãm đà tăng của CPI, bao gồm giá thịt lợn giảm 10,68% do kiểm soát thành công dịch tả lợn châu Phi và đảm bảo được nguồn cung. Giá thuê nhà giảm 1,83% do đợt dịch đầu năm 2022. Giá dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 0,37% vì giá điện thoại di động giảm.

Bình quân 12 tháng, CPI cơ bản – không bao gồm giá nhiên liệu, thực phẩm, dịch vụ y tế và giáo dục – tăng 2,59%. Mức tăng thấp hơn của CPI cơ bản so với CPI toàn phần cho thấy biến động giá cả chủ yếu là do giá thực phẩm và nhiên liệu, theo Tổng cục Thống kê.

Mặc dù lạm phát bình quân 12 tháng đạt mục tiêu đề ra đầu năm, giá cả có xu hướng tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Tỷ lệ lạm phát theo năm trong tháng 12 là 4,55% – tăng trong tháng thứ 4 liên tiếp. Tốc độ lạm phát cuối năm tăng hơn gấp đôi so với đầu năm.

Trung bình trong 3 tháng cuối năm, CPI tăng với tốc độ 4,41%. Lạm phát theo năm trong tháng 12 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Nhưng nếu so với tháng 11, CPI tháng 12 lại giảm 0,01%, chủ yếu nhờ giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng này theo giá thế giới, mặc dù 9 trong số 11 nhóm hàng vẫn tăng giá theo tháng.

Đáng chú ý, CPI cơ bản tháng 12 tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước và 0,33% so với tháng trước – đều cao hơn tốc độ tăng của CPI toàn phần. Điều này cho thấy áp lực lạm phát hiện đã lan ra nhiều nhóm mặt hàng, không chỉ còn tập trung vào giá nhiên liệu như trong những tháng đầu và giữa năm nay.