VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Cuộc chiến cân sức trên thị trường bán lẻ

Cuộc chiến cân sức trên thị trường bán lẻ

17:50 - 29/08/2022

Là thị trường tiềm năng, ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự canh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp nội và ngoại trên cuộc đua giành thị phần.

Doanh nghiệp ngoại dần thu hẹp ảnh hưởng

Với thế mạnh là tiềm lực tài chính vững vàng và kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường quốc tế trong lĩnh vực bán lẻ, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài luôn tạo được một “đế chế hùng mạnh” ở các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, một vài năm trở lại đây số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ cũng đang gia tăng chóng mặt.

Big C Việt Nam (TopsMarket, GO!), Metro (MM Mega Market), AEON Việt Nam, Seven Eleven… là những đại diện doanh nghiệp ngoại liên tục thay đổi trong thời gian qua để cố gắng gia tăng ảnh hưởng, giành thị phần tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, AEON Việt Nam cho biết, kế hoạch trung hạn tới năm 2025, sẽ có ít nhất 15 trung tâm mua sắm AEON đi vào hoạt động. Trong khi đó, hệ thống chuỗi siêu thị vừa và nhỏ MaxValu dự kiến đạt 100 cửa hàng ở Hà Nội. Song song đó, AEON Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, như Glam Beautique, AEON Bicycle, Petamo, Daiso… và kênh thương mại điện tử AEON EShop.

Thị trường bán lẻ đang chứng kiến cuộc đua cân sức giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Sức ảnh hưởng của doanh nghiệp ngoại trên bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Thậm chí, ở thời điểm năm 2016, 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy vậy, trước làn sóng tấn công ồ ạt của các doanh nghiệp ngoại, một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã âm thầm từng bước củng cố vị thế. Đến nay, doanh nghiệp bán lẻ Việt đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước.

Đáng chú ý, trường hợp ngược dòng đã xảy ra khi khi cuối 2021 THISO – Tổng Công ty thành viên thuộc Tập đoàn THACO, chính thức hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. (Hàn Quốc).

Tại Hội nghị khách hàng được tổ chức đầu tháng 8/2022 với hơn 500 nhà cung cấp, đối tác của Emart Việt Nam, ông Chun Byung Ki – Tổng giám đốc THISO Retail cho biết, Emart Việt Nam đang khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai đại siêu thị trong năm 2022: Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Đồng thời, đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD. Đây là thương vụ hiếm hoi trên thị trường khi không phải là cuộc chuyển nhượng từ doanh nghiệp Việt sang doanh nghiệp nước ngoài mà hoàn toàn ngược lại.

Doanh nghiệp nội ngày càng bành trướng

Dù đã giảm lượng lớn cửa hàng trong thời gian gần đây song tính đến ngày 28/8/2022, Bách Hóa Xanh vẫn sở hữu 1.741 cửa hàng trên toàn quốc. Động thái đóng cửa số lượng lớn cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện năm 2022 của CTCP Thế Giới Di Động (mã MWG). Nếu quá trình tái cấu trúc thành công, tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai của Bách Hóa Xanh có thể bắt kịp mức tăng trưởng trước đại dịch (mức tăng trưởng 30-40% trong giai đoạn 2017-2019).

Đại diện MWG cho biết, đến quý IV/2022, dự kiến Bách Hóa Xanh có thể đạt doanh thu bình quân 1,3 tỷ/cửa hàng và phát triển mạnh kênh online. Còn SSI dự báo doanh thu Bách Hóa Xanh đạt 25.982 tỷ đồng vào năm 2022. Và năm 2023 tăng lên mức 31.280 tỷ đồng. Mới đây, MWG đã định giá Bách Hóa Xanh giá trị hơn 1,5 tỷ USD.

Trong khi đó, với CTCP Tập đoàn Masan trong 6 tháng đầu năm 2022, bán lẻ (Winmart/Winmart+) chiếm tỷ trọng cao nhất với doanh thu lên đến hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó, chuỗi 2.873 cửa hàng tiện lợi Winmart+ đem về 9.528 tỷ đồng, cao gấp đôi chuỗi 127 siêu thị lớn Winmart (4.708 tỷ đồng). Đáng chú ý, Masan chỉ mới chính thức tham gia thị trường bán lẻ vào cuối năm 2019 thông qua việc mua lại chuỗi Vinmart của Tập đoàn Vingroup.

Còn với hàng tiêu dùng bao gồm mì, nước chấm, đồ uống cũng đem về cho Masan hơn 11.700 tỷ đồng. Kết hợp với chuỗi cửa hàng bán lẻ, Masan muốn tạo nên một nền tảng tiêu dùng mang tên The CrownX. Năm 2022, Masan dự kiến The CrownX đạt doanh thu thuần trong khoảng 68.000 tỷ đồng – 76.000 tỷ đồng, tăng từ 17% đến 31% so với năm 2021. Tầm nhìn năm 2025 Masan dự kiến tiết kiệm 15% chi phí của chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty cũng hướng đến việc phục vụ 30 – 50% người tiêu dùng Việt Nam, với giá trị vòng đời đạt đến 30 – 50 tỷ USD.

Bên cạnh những ông lớn kể trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn có sự tham gia của doanh nghiệp bán lẻ nội với quy mô lớn và có lịch sử lâu đời như Liên hợp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Hiện tại với hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại lớn nhỏ, ước tính hệ thống này đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày. Theo công bố mới đây, đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ nâng số điểm bán lên 2.000 vào năm 2025.

Ngoài ra còn rất nhiều tên tuổi khác như Nova Maket, Harpo… cũng đều đang dần xác định được ưu thế của mình với mức độ hiện diện, phủ sóng ngày càng tăng.

Thị trường Việt Nam với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện qua các năm, ngành bán lẻ trong dài hạn được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tốt. Thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ tiềm năng nhất châu Á và toàn cầu, tốc độ đô thị hóa còn thấp nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, các thành phố thứ cấp sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay vì các thành phố lớn. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ cả trong lẫn ngoài nước khai thác và nắm bắt thời cơ. Và thị trường không chờ đợi ai mà sẽ thuộc về những doanh nghiệp hiểu biết và đáp ứng một cách tốt nhất cho những yêu cầu, đòi hỏi được đặt ra của thị trường.