VNReport»Kinh tế»Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu chưa có hồi kết

Cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu chưa có hồi kết

17:18 - 06/01/2023

Lạm phát vẫn là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Nền kinh tế toàn cầu vừa trải qua một năm 2022 với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2022 ở mức khoảng 9%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí đã gọi lạm phát là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng hiện tại và tương lai”.

Lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu dù phong tỏa đã được dỡ bỏ và buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Hệ quả là thế giới đang chứng kiến một làn sóng tăng lãi suất nhanh chóng và rộng khắp. Khoảng 90 ngân hàng trung ương khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm 2022.

Lạm phát là mối đe dọa kinh tế toàn cầu

Tăng lãi suất là lựa chọn để kiềm chế lạm phát nhưng lại có thể tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế. Giám đốc đồng thời là trưởng bộ phận dự báo tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh Kay Daniel Neufeld cho biết có khả năng nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái vào năm 2023 do lãi suất tăng để đối phó với lạm phát cao hơn.

Trong Bảng xếp hạng kinh tế thế giới hàng năm của mình, CEBR cho rằng, nền kinh tế thế giới lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022 nhưng sẽ chững lại vào năm 2023 do cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa phân thắng bại, trong khi các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2022 đã đưa ra dự báo rằng hơn một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm vào năm 2023. IMF cũng đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023 xuống còn 2,7%, do sự kéo dài của cuộc chiến ở Ukraine cũng như áp lực lạm phát và lãi suất cao. Nếu không tính khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm đại dịch lên đỉnh điểm, đây sẽ là năm tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ 2001.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại CEBR cảnh báo rằng mặc dù lạm phát ở một số nền kinh tế đang giảm tốc nhưng sự biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu và lạm phát cơ bản cố định cho thấy đây vẫn là mối đe dọa lớn đối với kinh tế toàn cầu năm 2023.

CEBR cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036, chậm hơn 6 năm so với dự kiến ​​trước đó do chính sách Zero Covid của nước này và căng thẳng thương mại leo thang với phương Tây làm chậm tốc độ tăng trưởng của quốc gia này.

Cũng theo nghiên cứu của CEBR, nền kinh tế của Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2032 và sẽ đạt mốc 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.