VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Cuộc đổ bộ của Temu giáng thêm đòn cho bán lẻ nội địa

Cuộc đổ bộ của Temu giáng thêm đòn cho bán lẻ nội địa

09:39 - 23/10/2024

Khai trương trang bán hàng tại Việt Nam từ cuối tháng 9 vừa qua, Temu với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn, các mã giảm giá và cả miễn cước phí vận chuyển hàng đến tận các địa điểm khắp Việt Nam ngay lập tức trở thành sàn thương mại điện tử (TMĐT) được quan tâm nhất thời gian qua.

Khai trương trang bán hàng tại Việt Nam từ cuối tháng 9 vừa qua, Temu với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn, các mã giảm giá và cả miễn cước phí vận chuyển hàng đến tận các địa điểm khắp Việt Nam ngay lập tức trở thành sàn thương mại điện tử (TMĐT) được quan tâm nhất thời gian qua.

Temu là nền tảng TMĐT xuyên biên giới thuộc công ty mẹ PDD Holdings – ra mắt tại Mỹ tháng 9/2022. Sàn TMĐT này nổi tiếng với mô hình bán hàng giá rẻ, vận chuyển miễn phí. Dù mới chỉ có mặt trên thị trường được 2 năm nhưng nhờ giá cả cạnh tranh, chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ và khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn cầu hiện nay. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2022, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Temu chỉ mới 290 triệu đô la, nhưng đến cuối năm 2023 đạt 14 tỉ đô la, tăng gần 50 lần chỉ sau một năm, theo hãng dữ liệu thương mại điện tử ECDB. Dự kiến, quy mô GMV trên sàn Temu sẽ đạt 29,5 tỉ đô trong năm nay và 41 tỉ đô trong năm 2025. Temu đạt được những bước tiến thần tốc, thậm chí còn khiến các “ông lớn” lâu đời như Amazon, eBay phải để mắt.

Chính vì thế, với thế mạnh của mình, Temu trở thành đối thủ đầy uy hiếp cho các nhà bán lẻ nội địa Việt Nam.

Theo đó, theo số liệu của YouNet ECI, tính tới quý II, có 261.000 nhà bán trên Shopee, gấp hơn 2 lần TikTok (113.000), Lazada (104.000), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán. Đây chỉ là thời điểm Temu chưa xuất hiện.

Khi Temu xuất hiện, các doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ đối mặt với sức ép từ giá bán cạnh tranh thấp của các sản phẩm ngoại nhập, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm trực tiếp với sản phẩm mà không qua trung gian. Chưa kể, sàn TMĐT này nổi tiếng với việc hỗ trợ cho sản phẩm nội địa bằng chính sách miễn phí vận chuyển hoặc tặng phiếu giảm giá (voucher). Trong khi đó, hàng Việt lại không được hưởng chính sách này. Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa sẽ đối mặt với sức ép từ giá bán cạnh tranh thấp của các sản phẩm ngoại nhập.

Áp lực tiếp theo mà các nhà bán lẻ nội địa phải đối mặt là Temu mang đến một kho hàng khổng lồ, đa dạng sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng, đến công nghệ, làm đẹp. Temu cung cấp một loạt sản phẩm phong phú và đa dạng, từ đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, theo xu hướng quốc tế mà không cần chờ đợi qua các kênh truyền thống. Sự đa dạng này có thể làm cho người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ, trong khi các doanh nghiệp nội địa có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng danh mục sản phẩm để cạnh tranh.

Temu cung cấp một loạt sản phẩm phong phú và đa dạng

Chưa kể đến, theo số liệu mới nhất từ YouNet ECI, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quý II. Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%. Các sàn nội địa như Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh, Adayroi cùng với các tên tuổi lớn như Amazon Global, Alibaba hay Shein cạnh tranh với thị phần chưa đầy 1% còn lại.

Giờ đây lại sắp có thêm Temu, nghĩa là với cục diện thị trường hiện nay, nếu muốn tồn tại các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nhỏ lẻ gần như không có sự lựa chọn, bắt buộc tham gia vào cuộc chơi. Các nhà bán lẻ phải tham gia dàn trải vào nhiều kênh, sàn khác nhau, gồm kênh truyền thống như siêu thị, cửa hàng bán lẻ để tiếp cận với người tiêu dùng.

Các sàn TMĐT cạnh tranh, người tiêu dùng là người hưởng lợi nhiều nhất, tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi khi người tiêu dùng có thể gặp rủi ro về chất lượng sản phẩm vì có thể xuất hiện nhiều mặt hàng rẻ có thể không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc không có bảo hành đầy đủ, các vấn đề như khiếu nại, bảo hành sản phẩm cũng gặp khó khăn trong khâu xử lý.

Để bảo vệ người tiêu dùng cũng như trấn an các nhà bán lẻ nội địa, Nhà nước cần có chính sách nhằm hạn chế sản phẩm không đảm bảo chất lượng, các chính sách bảo vệ hàng nội địa, đặc biệt là nông sản, cần được tính tới.

Đồng thời, giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước nên được xem xét. Trước đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đề nghị thu thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng thông qua các sàn thương mại điện tử.

Nhìn chung, những thách thức về cạnh tranh giá cả, sự đa dạng sản phẩm và công nghệ khi có thêm một đối thủ mạnh như Temu tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại mô hình kinh doanh của mình. Tối ưu hoá quy trình cung ứng hoặc cải tiến dịch vụ đều là những biện pháp mà doanh nghiệp nội địa có thể áp dụng để nâng cao trải nghiệm khách hàng để giữ chân người tiêu dùng.

https://vnexpress.net/cuoc-do-bo-cua-temu-shein-giang-them-don-cho-ban-le-noi-dia-4806803.html