VNReport»Sự kiện & Bình luận»Cuộc đời chìm nổi của tỷ phú Jack Ma

Cuộc đời chìm nổi của tỷ phú Jack Ma

15:31 - 21/12/2022

Trước khi sống ẩn dật tại Tokyo, Jack Ma từng là một trong những người giàu nhất thế giới với tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc.

Đi lên từ hai bàn tay trắng

Jack Ma, tên tiếng Trung là Mã Vân, sinh năm 1964 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Suốt thời gian tuổi trẻ, Jack Ma hầu như không có gì nổi trội, thậm chí thua kém hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Tỷ phú người Trung Quốc không đỗ trong hai kỳ thi thời tiểu học. Đến khi học cấp hai, Jack Ma cũng ba lần thất bại. Tốt nghiệp xong cấp ba, khi thi vào đại học, ông trượt tới ba lần trước khi vào Đại học Sư phạm Hàng Châu. Ông chủ của Alibaba từng hồ sơ vào Đại học Harvard 10 lần nhưng đều bị từ chối.

Lận đận trong chuyện học hành, thi cử, Jack Ma cũng không suôn sẻ trong công việc. Lúc còn là sinh viên và sau khi nhận bằng cử nhân, tỷ phú này nhiều lần cố gắng xin việc nhưng đều bị từ chối. Sau ba năm đại học, Jack Ma 30 lần xin việc nhưng đều không thành công.

Khi KFC bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc, có 24 người đến xin việc. 23 người được nhận, chỉ có Jack Ma bị từ chối. Jack Ma từng là một trong 5 ứng viên xin việc vào lực lượng cảnh sát nhưng là người duy nhất bị loại.

Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma

Tuy nhiên, những thất bại liên tiếp không quật ngã được ý chí của Jack Ma. Vượt qua thất bại và xem chúng như cơ hội để học hỏi và trưởng thành hơn là cách của Jack Ma để vươn lên trở thành tỷ phú hàng đầu Trung Quốc.

Thành lập công ty ở tuổi 31 dù chưa từng viết được một dòng code hay bán hàng cho ai, Jack Ma điều hành và dẫn dắt Alibaba không ngừng lớn mạnh. Năm 2005, Alibaba trở thành tâm điểm thu hút của thế giới công nghệ khi quyết định bán cho Yahoo 35% cổ phần với giá 1,7 tỷ USD.

Tháng 11/2007, Alibaba lại một lần nữa khiến cả thế giới phải chú ý khi tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được lượng vốn lên tới gần hai tỷ USD, ngang ngửa với số vốn mà Google huy động được trong đợt IPO năm 2004. Sau đó, các nhà đầu cơ đẩy cổ phiếu của Alibaba tăng giá thêm 193% ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, khiến giá trị của công ty vọt lên tới mức 26 tỷ USD.

Tháng 9/2014, Alibaba tiếp tục huy động được hơn 25 tỷ USD khi bắt đầu giao dịch trên Sàn chứng khoán New York. Hiện tại, Alibaba có 9 công ty lớn trực thuộc, cung cấp thêm nhiều dịch vụ, trong đó có các trang thương mại, thanh toán điện tử, cỗ máy tìm kiếm mua sắm và điện toán đám mây.

Sự thành công vượt bậc của đế chế Alibaba khiến Jack Ma trở thành huyền thoại với người Trung Quốc. Ông là tấm gương sáng, là nhân vật truyền cảm hứng với thế hệ trẻ và cũng là cái tên có ảnh hưởng rất lớn trong ngành công nghệ của nước này.

Thậm chí, Jack Ma còn có những ảnh hưởng nhất định trên chính trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tỷ phú Jack Ma là cố vấn cho Thủ tướng Anh David Cameron vào năm 2015 với mục đích hỗ trợ và đóng góp ý kiến về cách thức các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Anh tăng cường xuất khẩu, tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua những nền tảng như Alibaba.

Năm 2017, Jack Ma có cuộc gặp với ông Donal Trump, khi đó là tổng thống đắc cử của Mỹ, để bàn về kế hoạch tạo ra một triệu việc làm trong 5 năm tiếp theo nhờ việc Alibaba mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản của Jack Ma lên tới hàng chục tỷ USD và từng là người giàu nhất Trung Quốc trước khi sóng gió xảy ra với Ant Gourp khiến vị tỷ phú này lao đao.

Cú ngã ngựa từ một lần “vạ miệng”

Ngày 24/10/2020 có lẽ là dấu mốc khó quên trong sự nghiệp của tỷ phú Jack Ma. Đây chính là thời điểm vị tỷ phú này có phát ngôn gây sốc khi chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ hai.

Trong bài phát biểu, ông chủ Alibaba ví Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là “câu lạc bộ của những người già”. Ông cũng khẳng định rằng rào cản lớn nhất Trung Quốc đang đối mặt không phải “rủi ro hệ thống” mà là thiếu hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh. Các ngân hàng Trung Quốc bị Jack Ma ví như tiệm cầm đồ, trong khi nỗ lực đổi mới của giới chức đại lục chẳng khác gì “dùng cách quản lý ga tàu để vận hành sân bay”.

Phát ngôn của Jack Ma lập tức khiến cả hai công ty do ông sáng lập là tập đoàn Alibaba và startup công nghệ tài chính Ant Financial rơi vào “tầm ngắm” của nhà chức trách Trung Quốc, liên tục gặp phải những rắc rối pháp lý. Thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Ant bất ngờ bị đình chỉ sát ngày. Còn Alibaba năm ngoái lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì tội kinh doanh độc quyền. Ngay năm 2021, vị tỷ phú này cũng biến mất khỏi danh sách doanh nhân tiêu biểu của Trung Quốc.

Sau khi mất mối quan hệ hòa hảo với nhà chức trách Trung Quốc, hành tung của Jack Ma luôn là điều bí ẩn. Ông hầu như biến mất khỏi phương tiện thông tin đại chúng và rất hiếm khi lộ mặt trước công chúng trừ một vài lần được phát hiện ghé thăm Tây Ban Nha và Hà Lan.

Mới đây, một tờ báo Anh đưa tin nhà sáng lập Alibaba đang sống cùng gia đình ở trung tâm Tokyo được gần 6 tháng. Ngay cả tại Tokyo, Jack Ma cũng hạn chế các hoạt động công khai và mang theo đầu bếp riêng cũng như đội ngũ an ninh. Theo nguồn tin này, các hoạt động xã hội của vị tỷ phú xoay quanh một số ít câu lạc bộ dành cho thành viên tư nhân và đồng thời là một nhà sưu tầm nghệ thuật. Một số người khác lại cho rằng Jack Ma dành thời gian ở Nhật Bản để tìm kiếm các lĩnh vực kinh doanh khác mà ông quan tâm ngoài thương mại điện tử và công nghệ tại chính, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất bền vững.

Sự vắng mặt của Jack Ma ở Trung Quốc và lý do ông sống ở Nhật Bản vẫn đang là câu hỏi lớn chưa tìm được lời đáp. Trong khi đó, hai công ty do ông thành lập đều đang phải đối mặt với vô vàn áp lực, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm theo đuổi mục tiêu “thịnh vượng chung” nhằm thay đổi bức tranh về mối quan hệ kinh tế – chính trị tại Trung Quốc.

Hiện tại, Jack Ma chuyển giao phần lớn quyền lực tại Alibaba và Ant Financial cho thế hệ lãnh đạo mới. Theo Bloomberg Billionaire Index, tính tới ngày 30/11, khối tài sản của Jack Ma là 30,7 tỷ USD, xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng thời gian thực của các tỷ phú thế giới. Tính từ đầu năm tới nay, vị tỷ phú này mất hơn 7 tỷ USD tài sản ròng do những biến động với ngành công nghệ.

Dù đang sống một cuộc sống kín tiếng, không thể phủ nhận những thành tựu và ảnh hưởng của Jack Ma đến ngành công nghệ thông tin thế giới. Thành công của ông khơi dậy tinh thần đổi mới và tham vọng kinh doanh cho nhiều tầng lớp trẻ tuổi. Hệ giá trị tư tưởng do Jack Ma khởi tạo vẫn sẽ được lưu truyền.