VNReport»Kinh tế»Cuộc đua trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam

Cuộc đua trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam

14:29 - 19/01/2023

Khi thu nhập người dân tăng lên dẫn tới chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe cũng sẽ tăng, tạo điều kiện cho thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam bứt phá trong thời gian tới.

Kỳ vọng tăng trưởng lớn

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, số người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số, thúc đẩy chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Do đó, sức tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm ở Việt Nam vẫn còn rất khả quan và đầy tiềm năng.

Tại Việt Nam, bình quân một người từ 65 tuổi trở lên mắc ít nhất 3 bệnh, những người trên 80 tuổi mắc 6,9 bệnh. Chi phí khám chữa bệnh của người cao tuổi cao gấp 7 – 10 lần người trẻ. Dự báo, chi phí cho y tế của Việt Nam sẽ đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.

Thị trường dược phẩm Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn

Trên thực tế, dược phẩm đang được xem là lĩnh vực tăng trưởng nhanh và tiềm năng nhất Việt Nam hiện nay. Tổ chức UQVIA Institute mới đây đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market – nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới.

Còn theo Economist Intelligence Unit (EIU), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021. Trong giai đoạn 2017 – 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7,4%.

EIU dự báo tốc độ tăng CAGR là 9,5% trong 5 năm tới, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên. Business Monitor International Research cũng dự báo thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%.

Nhận thấy tiềm năng rộng lớn của thị trường, nhiều công ty mới cũng bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông). Trong khi các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Cùng với đó là hơn 50.000 nhà thuốc truyền thống, tất cả cùng tham gia tạo nên một thị trường sôi động nhưng cũng không kém phần cạnh tranh gay gắt.

Sự trỗi dậy của các chuỗi bán lẻ dược phẩm

Với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (chiếm 85% thị trường) nên thị trường dược phẩm Việt Nam đang có tính phân mảnh rất cao. Với tham vọng hợp nhất thị phần, các chuỗi bán lẻ dược phẩm đang tăng tốc mở rộng quy mô để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống.

Sau hai năm phát triển mạnh 2021-2022, ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất trên thị trường hiện nay bao gồm: Long Châu, An Khang, Pharmacity đều đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2022, các nhà thuốc như Long Châu, An Khang và Pharmacity mở mới 982 cửa hàng. Tuy nhiên sau đó, chỉ có Long Châu là giữ được tốc độ mở mới với 281 cửa hàng trong khi Pharmacity và An Khang đóng cửa lần lượt 77 và 14 cửa hàng không hiệu quả. Như vậy, tổng số lượng cửa hàng của 3 chuỗi bán lẻ này tăng 1.172 cửa hàng so với cuối năm 2021.

Nếu tính theo số lượng thì Pharmacity dẫn đầu với 1.093 cửa hàng nhưng có mức doanh thu khiêm tốn, dự kiến khoảng 4.200 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà thuốc Long Châu có 771 cửa hàng với doanh thu năm 2022 dự kiến khoảng 9.500 tỷ đồng và nhà thuốc An Khang có 614 cửa hàng, dự kiến doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

Dù bị nhà thuốc Long Châu lấn át về lợi nhuận, nhưng Pharmacity vẫn tự tin vì đang là chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường về quy mô, với khoảng 1.147 cửa hàng, trong khi Long Châu có khoảng 701 cửa hàng.

Đầu năm 2022, “ông lớn” hàng tiêu dùng và bán lẻ Masan cũng có những bước khởi đầu vào thị trường này, với việc chuẩn bị mở nhà thuốc mới. Theo đó, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Winphar đã được thành lập với số vốn điều lệ 10 triệu đồng. Ngày 1/7/2022, Winphar đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng.

Hiện Masan cũng là tên tuổi hậu thuẫn của Phano Pharmacy – chuỗi nhà thuốc mới được tích hợp vào hệ sinh thái của WinMart. Tuy số cửa hàng chưa bằng 1/10 Pharmacity, nhưng Phano Pharmacy đã tuyên bố doanh thu số 1 thị trường.

Dự kiến, chuỗi nhà thuốc có thể chiếm tới 16% thị phần bán lẻ thuốc tại Việt Nam vào năm 2025. Cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc được xem là động lực kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới.