VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Cuộc khủng hoảng Evergrande gây chấn động thị trường toàn cầu

Cuộc khủng hoảng Evergrande gây chấn động thị trường toàn cầu

09:32 - 21/09/2021

Các thị trường chứng khoán khắp thế giới bán tháo trước nguy cơ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc China Evergrande.

Làn sóng lo sợ về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tràn qua các thị trường toàn cầu vào thứ Hai khi China Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này, đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Trong khi các tập đoàn bất động sản của Trung Quốc và Hong Kong bị bán tháo mạnh nhất, những thị trường chứng khoán trên khắp châu Âu và Mỹ cũng chịu tác động. China Evergrande, công ty có khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, đang đối mặt với thời hạn thanh toán cho các ngân hàng và trái chủ trong tuần này.

Evergrande đang nợ hơn 300 triệu USD.

Evergrande đang nợ hơn 300 triệu USD.

Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 614 điểm, tương đương 1,8%, trong ngày giao dịch tệ nhất kể từ tháng 7. Chỉ số Dow có lúc giảm 972 điểm trước khi hồi phục một phần vào cuối phiên.

Phoenix Kalen, chiến lược gia tại Societe Generale ở London, cho biết những tác động từ khả năng sụp đổ của Evergrande có thể sẽ góp phần vào sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc, “từ đó kéo theo tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến giá hàng hóa”.

Nasdaq đóng cửa giảm 2,2% và 3 công ty giảm giá mạnh nhất đều là các công ty Trung Quốc: Pinduoduo, Baidu và JD.com. Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 1,7%. Đây là ngày giao dịch tồi tệ nhất của cả 2 chỉ số kể từ tháng 5.

Global X MSCI China Real Estate ETF, một quỹ hoán đổi danh mục tập trung vào lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, đóng cửa giảm 5,4% trong ngày.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London đã giảm gần 1%. Các công ty khai thác khoáng sản dẫn đầu đà giảm do lo ngại sự suy thoái của Trung Quốc sẽ tiếp tục xói mòn giá hàng hóa. Chỉ số Euro Stoxx 600 giảm gần 1,7%.

Giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD/tấn lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua do Trung Quốc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế sản xuất thép kết hợp với lo ngại từ nhà đầu tư rằng hoạt động xây dựng bất động sản chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu đối với kim loại này. Đồng và dầu giảm 2%.

Vào sáng thứ Ba, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản cũng theo xu hướng thế giới, giảm mạnh khoảng 600 điểm, tương đương 2%, so với cuối tuần trước, xuống dưới 30.000 điểm. Mức giảm này là lớn nhất kể từ cuối tháng 6.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu gắn liền với kết quả kinh tế của Trung Quốc – nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng vào năm ngoái. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến ​​Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 1/5 mức tăng tổng sản phẩm quốc nội của thế giới trong 5 năm 2022-2026.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra, một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đang chậm lại, đặc biệt là trên thị trường nhà ở, nơi các hoạt động giảm mạnh trong tháng 7 và suy yếu thêm vào tháng 8.

Cổ phiếu của Evergrande giảm thêm 10,2% vào thứ Hai tại Hong Kong, đưa mức lỗ trong năm lên 84%. Chỉ số bất động sản Hang Seng giảm 6,7% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 và chỉ số Hang Seng rộng hơn đóng cửa giảm 3,3%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa cho đến thứ Tư để nghỉ lễ, nhưng chỉ số FTSE Trung Quốc A50 giao dịch tại Singapore đã giảm hơn 3%.

Evergrande đã bắt đầu đề nghị trả nợ cho các nhà cung cấp và nhà đầu tư trái phiếu nhỏ lẻ bằng căn hộ, bãi đỗ xe và không gian thương mại thay cho những khoản thanh toán. Tập đoàn này phải đối mặt với một loạt các khoản thanh toán lãi trái phiếu bắt đầu từ thứ Năm. Nếu không thực hiện thanh toán trong vòng 1 tháng, Evergrande sẽ được coi là vỡ nợ.

“Tình huống cơ sở của chúng tôi vẫn là bất kỳ khả năng vỡ nợ hoặc tái cấu trúc nào của Evergrande sẽ được chính phủ quản lý cẩn thận với tác động dây chuyền hạn chế trên cả thị trường tài chính và bất động sản”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs do Hui Shan dẫn đầu cho biết. “Điều này đòi hỏi chính phủ phải sớm có một thông điệp rõ ràng để củng cố niềm tin và ngăn chặn tác động lan tỏa. Nếu không có động thái này, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có rủi ro đáng chú ý với tăng trưởng quý IV và năm sau”.

Nhân viên an ninh ngăn nhà đầu tư tràn vào văn phòng của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

Nhân viên an ninh ngăn nhà đầu tư tràn vào văn phòng của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo nếu một vụ vỡ nợ xảy ra mà không có biện pháp ngăn chặn tác động lan tỏa đến những lĩnh vực khác của nền kinh tế, thì thiệt hại có thể lên tới 4,1% GDP do lĩnh vực nhà ở sụp đổ và các điều kiện tài chính thắt chặt.

S&P Global Ratings cũng cho biết họ không dự báo “một sự kiện hệ thống lớn nếu Evergrande vỡ nợ”. Nhưng trong một lưu ý cho khách hàng, họ cho biết tình hình có thể tồi tệ hơn nếu tập đoàn phá sản một cách vô trật tự cùng lúc với sự suy thoái sâu hơn trong lĩnh vực bất động sản. “Điều này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. Chúng tôi tin rằng bản thân lĩnh vực này đã chứng kiến ​​một số điểm yếu về doanh số và giá cả kể từ tháng 8 và có thể trượt dài hơn nữa”.

Cổ phiếu của Sinic Holdings, một nhà phát triển bất động sản ở Thượng Hải, giảm 87% trước khi giao dịch bị tạm dừng. Nhà đầu tư lo ngại rằng công ty có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho số trái phiếu trị giá 246 triệu USD mà họ phải trả vào ngày 18/10. Fitch Ratings tuần trước đã cắt giảm triển vọng công ty xuống mức tiêu cực.

Các nhà phát triển bất động sản lớn của Hong Kong cũng cảm thấy tác động tiêu cực. Sun Hung Kai Properties giảm 10%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2012 và Henderson Land giảm 13%. Nhà đầu tư cũng thêm lo ngại vì vào tuần trước, Bắc Kinh đã cảnh báo các ông trùm bất động sản của thành phố rằng sẽ không dung thứ “hành vi độc quyền”.

1 bình luận
    Bình luận của bạn