VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Đất nền Hưng Yên tăng giá gấp rưỡi sau một năm

Đất nền Hưng Yên tăng giá gấp rưỡi sau một năm

11:51 - 01/04/2025

Những lô đất làng, đất thị trấn tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã tăng giá 40-50% sau một năm khiến người dân địa phương dần đứng ngoài những giao dịch nhà đất trên địa bàn.

Tháng 7 năm ngoái, anh Nguyễn Cường (Khoái Châu, Hưng Yên) được giới thiệu một lô đất rộng 112 m² tại thôn Kim Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với giá 24 triệu đồng/m². Có kế hoạch tài chính khác nên anh Cường sau đó tạm hoãn kế hoạch mua đất. Đến tháng 11 cùng năm, một người khác đã rao bán lô đất trên với giá 29 triệu đồng/m² và cách đây hơn 1 tuần, lô đất lại được chủ mới chào bán giá 39 triệu đồng/m².

Chỉ chưa đầy 9 tháng, lô đất này đã tăng giá hơn 60%. Diễn biến này nằm ngoài dự đoán của chủ đất ban đầu cũng như một nhà đầu tư lâu năm như anh Cường.

2 tỷ cũng khó mua đất làng

Huyện Văn Giang vừa trải qua những ngày đất tăng giá đỉnh điểm. Nhà đầu tư từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng… đổ về địa phương này xem đất, nhiều môi giới “khoe” mỗi tháng “chốt” 8-10 lô đất là chuyện bình thường.

Theo môi giới, những lô đất giá dưới 2 tỷ đồng có khả năng thanh khoản nhanh, cũng được nhà đầu tư “chuộng” hơn. Tuy nhiên, “cơn sốt” kéo dài đã khiến những lô đất này dần khan hiếm ở một huyện đang có “tin đồn” sáp nhập.

Một lô đất gần 78 m² tại thôn CD Quán Trạch, xã Liên Nghĩa đang được chủ gửi bán 2,24 tỷ đồng, tương đương gần 29 triệu đồng/m². Lô đất nằm cuối một con đường cụt, xung quanh là vườn cây nông nghiệp. Cách đây một năm, những lô đất tương tự chỉ được giao dịch quanh mức 18-20 triệu đồng/m².

Những lô đất trong làng với ngõ cụt đang được rao bán với giá trên 2 tỷ đồng tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang. Ảnh: MG/Znews.

Những lô đất trong làng với ngõ cụt đang được rao bán với giá trên 2 tỷ đồng tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang. Ảnh: MG/Znews.

Còn ở khu đất đấu giá thuộc thôn Bến, xã Phụng Công, một lô đất hơn 75 m² được chào giá 4,65 tỷ đồng, tương đương 62 triệu đồng/m², tăng khoảng 40% sau một năm.

Riêng ở thị trấn Văn Giang, đất dưới 30 triệu đồng/m² đang biến mất khỏi thị trường, kể cả những lô đất có đường tiếp giáp chỉ đủ rộng để xe máy đi vào. Với tài chính 3 tỷ đồng, môi giới cho biết không thể mua được một lô đất nằm trong ngõ, ôtô vào được ở thị trấn này.

Trong khi những lô đất có mặt tiền hướng ra vòng xuyến ở thị trấn Văn Giang được định giá khoảng 140-160 triệu đồng/m², tuy nhiên hiện không có người bán.

“Không ai dám khẳng định đầu tư đất lúc này chắc chắn có lãi vì giá đã tăng cao và nhanh quá rồi. Bây giờ khách liều thì vào, còn không thì đừng nên quan tâm bởi nếu giá còn tăng thì rất dễ FOMO”, anh H.H, một môi giới tại Hưng Yên, nói.

Anh H.H cho biết hiện tại, giao dịch trên thị trường chủ yếu là mua đi, bán lại giữa các nhà đầu tư. Không nhiều người dân Hưng Yên dám chi tiền mua đất ở thời điểm này. Khách từ các tỉnh khác đến, có người muốn mua đầu tư lâu dài, cũng có người đặt cọc xong thì gửi môi giới bán luôn để “ăn” chênh.

Sẽ chững lại sau đợt tăng “nóng”

Văn Giang nằm giáp Hà Nội, là huyện có nhiều dự án bất động sản lớn của tỉnh Hưng Yên như Ecopark, Vinhomes Ocean Park 2, Vinhomes Ocean Park 3. Mới đây, không ít doanh nghiệp địa ốc cũng khởi công thêm một số dự án khu đô thị tại đây như CTCP Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang (DCI) với dự án Centerville hay CTCP Đầu tư Bảo Hưng với Vaquarius Văn Giang…

Bất động sản Văn Giang cũng được hưởng lợi nhờ các dự án hạ tầng lớn như đường Vành đai 4, đường Vành đai 3,5, tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng hay dự án cầu Mễ Sở…

Ngoài ra, “tin đồn” Văn Giang sắp sáp nhập vào TP Hà Nội cũng trở thành lý do khiến giá đất tại huyện này liên tục “nhảy múa” trong thời gian qua.

Việc giá đất tăng nhanh đã giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn, không ít người dân Văn Giang cũng xẻ đất để bán, kiếm tiền tỷ. Nhưng cũng như các “cơn sốt” đất từng diễn ra, chuyên gia cho rằng “cơn sốt” tại Văn Giang, Hưng Yên có thể khiến những nhà đầu tư ít kinh nghiệm “mắc cạn”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng hiện tượng tăng giá trên 50% sau một năm là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng “sốt ảo”. Đặc biệt, khi người mua chủ yếu là nhà đầu tư, thị trường không có sự tham gia của người mua ở thực, thì nguy cơ “vỡ bong bóng” luôn hiện hữu.

Nhìn nhận khách quan, vị chuyên gia cho rằng bất động sản Hưng Yên nói chung và Văn Giang nói riêng có nhiều điểm hỗ trợ để phát triển. Tuy nhiên, khi tốc độ tăng giá quá nhanh, vượt xa giá trị thực, nhóm nhà đầu tư ít kinh nghiệm nên tránh FOMO bởi có thể tham gia vào cuối đợt “sóng”.

Lượng nhà đầu tư đổ về huyện Văn Giang "săn" đất có dấu hiệu giảm trong khoảng một tuần qua. Ảnh: Việt Linh/Znews.

Lượng nhà đầu tư đổ về huyện Văn Giang “săn” đất có dấu hiệu giảm trong khoảng một tuần qua. Ảnh: Việt Linh/Znews.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Batdongsan.com.vn, cũng chung quan điểm, ông cho hay thị trường địa ốc huyện Văn Giang, Hưng Yên có nhiều lý do để tăng giá. Ngoài các yếu tố hạ tầng, tin đồn sáp nhập, ông Quốc Anh cho rằng thông tin Tập đoàn Trump sắp khởi công dự án ở tỉnh này thể hiện Hưng Yên là thị trường nhiều tiềm năng.

Ở góc nhìn thận trọng, ông Quốc Anh cho rằng giá bất động sản khi tăng quá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn thì luôn cần một điểm chững để nhà đầu tư đánh giá lại những kỳ vọng, tiềm năng và giá bán hiện tại.

Vị chuyên gia lập luận khả năng tăng giá của một bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương. Với tỉnh Hưng Yên hay cụ thể hơn là huyện Văn Giang, các nhà đầu tư kỳ vọng khi các dự án bất động sản được triển khai đồng loạt hay có thêm các khu công nghiệp đi vào hoạt động… địa phương này sẽ thu hút thêm nhiều người dân đến để phát triển kinh tế, qua đó tăng nhu cầu sở hữu nhà đất. Tuy nhiên, nếu các kỳ vọng đó khó hoặc không đạt được, giá đất tất yếu phải ngừng tăng. Ngược lại, nếu đúng kỳ vọng, giá đất có thể còn tăng tiếp.

Thêm vào đó, ông cho rằng “ôm đất trong cơn sốt giá” cực kỳ nguy hiểm bởi giá tăng là một chuyện, thanh khoản là một chuyện khác. Đặc biệt, những lô đất giá trị sử dụng không cao sẽ rất khó bán.

Chuyên gia Trần Quang Trung – Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing – cũng cảnh báo trong “cơn sốt đất”, thanh khoản là yếu tố cần tính đến đầu tiên.

“Tập trung vào thanh khoản – kiểm soát đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư phải trả lời được các câu hỏi: Ai sẽ mua lại. Ai sẽ thuê. Ai sẽ sống ở đó”, ông Trung đưa lời khuyên.

Thực tế, theo các môi giới tại huyện Văn Giang, khoảng 1 tuần gần đây, lượng nhà đầu tư đổ về huyện săn đất bắt đầu giảm dần. Các văn phòng công chứng cũng không còn động nghịt người như trước đó.

Theo:

https://znews.vn/dat-nen-hung-yen-tang-gia-gap-ruoi-sau-mot-nam-post1541026.html